Ngừng hút thuốc lá để ngăn ngừa bệnh tật |
Triệu chứng của ung thư phổi
Theo thống kê, nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là hút thuốc lá. Những người này đã hút khoảng hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm.
80 - 90% người mắc ung thư phổi do nghiện thuốc lá |
Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới, do phong trào hút thuốc ở nữ giới gia tăng, cũng như do hít phải khói thuốc. Vì vậy, tại Việt Nam, ung thư phổi hiện đứng thứ 2 sau ung thư gan ở cả nam và nữ. Đa phần khi phát hiện ra đều đã ở giai đoạn muộn nên khó kéo dài thời gian điều trị. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh có ý nghĩa quyết định đến thời gian sống của người bệnh.
Những dấu hiệu sớm của ung thư phổi cần biết để thăm khám sớm và điều trị kịp thời, đó là: Cơn ho mới, mãn tính, đây là dấu hiệu của ung thư phổi có khả năng xuất hiện sớm nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, ho là một triệu chứng không đặc hiệu. Vì khi cảm lạnh và cúm thông thường thì ho cũng có thể tồn tại trong một vài tuần. Song nếu bị ho kéo dài trong 2-3 tuần mà không do bất kỳ bệnh liên quan đến virus hoặc vi khuẩn thì đó là dấu hiệu bất thường cần nên đi khám bác sĩ.
Cảm giác khó thở: Đây cũng là một dấu hiệu sớm của ung thư phổi. Mặc dù khó thở thường xuất hiện ở các giai đoạn sau của bệnh nhưng cũng thường xuất hiện khi có một khối u cản trở đường thở. Vì vậy, khi có bất kỳ triệu chứng khó thở nào không giải thích được cần nên đi khám bác sĩ.
Ho ra máu: Nếu ho ra máu hay lượng nhỏ đờm màu nâu đỏ mà không giải thích được thì cũng phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt khi có thêm tình trạng chóng mặt hoặc khó thở.
Mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá có mối liên quan tới ung thư phổi. Thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh, 15% người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng lâm sàng và 80 - 90% người mắc ung thư phổi do nghiện thuốc lá. Người hút thuốc có tỉ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.
Bởi vì người hút thuốc thường bị suy yếu chức năng niêm mạc phế quản hơn người không hút thuốc, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ môi trường, lây nhiễm và các khói độc.
Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp như viêm phổi, bệnh cúm ở người hút thuốc cao hơn so với người không hút thuốc.
Tổ chức Y tế thế giới cũng cho hay, trong vòng 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên đáng kể cùng với số lượng người hút thuốc gia tăng. Trung bình người hút thuốc tăng nguy cơ liên quan tới ung thư phổi từ 5 -10 lần. Nhiều nghiên cứu đã xác định ba xu hướng quan trọng: Nguy cơ ung thư tăng với số lượng thuốc hút/số thuốc trong ngày; nguy cơ ung thư tăng với thời gian hút thuốc, đo lường theo năm; nguy cơ ung thư tăng với người bắt đầu hút thuốc khi còn trẻ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chia sẻ, ung thư phổi có thể tránh và chủ động bằng cách không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá.
Để phòng bệnh thì người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đi khám. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là không hút thuốc lá, hoặc đã nghiện rồi thì hãy từ bỏ hút thuốc, đó là cơ hội tốt nhất để ngăn ngừa tổn thương phổi, hạn chế làm bệnh nặng thêm và tránh tử vong do bệnh.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám Bệnh viện K, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá; cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi; đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng chống ung thư phổi. |