Cảng Chu Lai phát huy vai trò mũi nhọn trong hoạt động logistics tại miền Trung THILOGI đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng qua cảng Chu Lai |
Việc mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa các tuyến hàng hải quốc tế đã khẳng định vai trò trung tâm kết nối của cảng Chu Lai trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Hợp tác với RCL - hãng tàu container quốc tế hàng đầu châu Á
Ngày 28/8, tàu MTT SAISUNEE (quốc tịch Malaysia) thuộc hãng tàu RCL đã cập cảng Chu Lai, mở đầu cho tuyến hàng hải mới kết nối trực tiếp đến Ấn Độ. Tàu vận chuyển linh kiện ô tô, cơ khí, trái cây, hàng gia dụng, nội thất, may mặc... của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tam Thăng, THACO Chu Lai (Quảng Nam) và Khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi) xuất khẩu sang Ấn Độ.
Ngày 28/8, tàu MTT SAISUNEE thuộc hãng tàu RCL cập cảng Chu Lai |
RCL là một trong những hãng tàu hàng đầu châu Á, được thành lập từ năm 1979 tại Thái Lan. Hiện hãng đang sở hữu và vận hành 49 tàu container với 69 điểm đến ở Ấn Độ và các nước khác trong khu vực châu Á, Trung Đông. Đội tàu của RCL có tổng năng lực gần 79.000 TEUs, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và bảo vệ môi trường.
Chuyến tàu mở đầu cho tuyến hàng hải mới kết nối trực tiếp đến Ấn Độ |
Bước đầu, cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL khai thác hải trình từ Xiamen (Trung Quốc) - Chu Lai - Port Klang (Malaysia) - Chennai - Kolkata - Kattupalli (Ấn Độ), tần suất 3 chuyến/tháng. Qua đó, mang đến cho khách hàng nhiều phương án vận chuyển phù hợp với mức phí tối ưu, đồng thời phát triển thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Đa dạng tuyến hàng hải, nâng cao năng lực phục vụ
Là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng tại miền Trung và cũng là điểm thu hút hàng trung chuyển quá cảnh từ Lào và Campuchia, cảng Chu Lai đang đẩy mạnh hợp tác với các hãng tàu quốc tế (SITC, CMA CGM, ZIM, RCL…) khai thác tuyến dịch vụ nội Á kết nối trực tiếp đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; tuyến xuyên Thái Bình Dương đến các thị trường tại châu Mỹ, châu Âu.
Tàu MTT SAISUNEE vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại miền Trung |
Đặc biệt, với việc mở thêm tuyến hàng hải trực tiếp tới các cảng lớn tại Ấn Độ như: Chennai, Kolkata, Kattupalli, Nhava Sheva, Mundra… cảng Chu Lai đã cung ứng nhiều giải pháp vận chuyển tối ưu, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nam Á thông qua “cửa ngõ” Ấn Độ một cách thuận tiện. Từ nay, thay vì phải trung chuyển đến các cảng tại hai đầu Nam, Bắc, các doanh nghiệp tại miền Trung có thể xuất nhập khẩu hàng qua Ấn Độ tại Chu Lai, tiết giảm đáng kể thời gian và chi phí.
Ông Phan Văn Kỳ, Giám đốc cảng Chu Lai cho biết: “Chúng tôi đang tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai thác cảng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua đó, tăng tính kết nối với các tập đoàn vận tải biển, hãng tàu quốc tế, đồng thời thu hút nguồn hàng từ các khu vực xuất nhập khẩu qua cảng”.
Nhờ đa dạng các tuyến hàng hải mới cùng mạng lưới khách hàng không ngừng được mở rộng, năm 2024, dự kiến sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai tăng hơn 40% so với năm 2023.
Cảng Chu Lai đẩy mạnh khai thác tuyến hàng hải trực tiếp đến Ấn Độ |
Trong thời gian tới, cảng Chu Lai tiếp tục xúc tiến hợp tác với các hãng tàu quốc tế nhằm gia tăng tần suất tàu, đồng thời hoàn thiện và đưa vào hoạt động bến cảng 5 vạn tấn để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, cảng sẽ nâng cao năng lực khai thác cầu bến, kho bãi, phương tiện, tập trung khai thác các các mặt hàng có nhiều dư địa phát triển tại Tây Nguyên (Việt Nam), Lào, Campuchia như nông - lâm - khoáng sản xuất khẩu.
Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, cảng Chu Lai cũng thực hiện tinh giản quy trình, thủ tục, tối ưu hóa hệ thống… nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.