Thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm Canada vào Việt Nam thông qua Hiệp định CPTPP Kết quả thực hiện Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA của Bộ, ngành, địa phương năm 2022 |
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Perry Steil cho biết, mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Canada đang phát triển theo một cách "thú vị" và đã đạt được "bước nhảy vọt" trong suốt năm thập kỷ qua.
Đáng chú ý, kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà cả Việt Nam và Canada đều là thành viên, có hiệu lực từ năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vào Canada đã tăng nhanh chóng. Các sản phẩm Việt Nam như hải sản, trái cây, nội thất, giày dép, quần áo và điện tử đang tìm thấy một thị trường rộng lớn tại Canada. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đã cán mốc 7 tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh hai nước đều là thành viên tích cực của Hiệp định CPTPP.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam sang Canada đạt 1.687 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022 (tốc độ sụt giảm đã thấp hơn các tháng trước). Tuy nhiên, theo số liệu nước sở tại công bố ngày 23/5/2023, chỉ tính đến hết tháng 3/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 2.187 tỷ USD. Sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Nếu tính theo số liệu của nước sở tại, Canada là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 5 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada (1973 - 2023), ngày 24/8 - Ảnh: Đại sứ quán Canada tại Việt Nam |
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong quý I/2023, qua theo dõi số liệu nước sở tại, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico. Ngoại trừ Argentina, cả Ecuador, Chile và Mexico đều có Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) song phương với Canada.
Nghiên cứu số liệu sở tại từ 2018 - 2022 cho thấy, từ sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến đều tăng (trừ sản phẩm trái cây và hạt). Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều sản phẩm của khu vực công nghiệp nội địa có mức tăng vượt bậc, chứng minh tác động tích cực của CPTPP đến xuất khẩu của Việt Nam sang Canada. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của Việt Nam vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng mà Hiệp định này mang lại.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Shawn Perry Steil, giao lưu nhân dân là nền tảng của mối quan hệ song phương, giúp thúc đẩy hợp tác thương mại, giáo dục giữa hai nước. Với việc Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng sống cho người dân, Canada đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức cộng đồng để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi đầy đủ từ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và hòa nhập xã hội là một phần của quá trình phát triển của Việt Nam. Đáng chú ý, Canada đã hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng sạch và bảo vệ môi trường, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách để giảm thiểu rác nhựa.
Đại sứ Shawn Perry Steil thông tin, Canada là một thành viên của Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng. Thông qua đối tác đó, chúng tôi đang nâng cao sự hỗ trợ để giúp Việt Nam không chỉ tăng sản xuất năng lượng tái tạo, mà còn xem xét việc tăng khả năng lưu trữ năng lượng, cải thiện hệ thống truyền tải.
"Chúng tôi đặc biệt hào hứng về việc hỗ trợ giá carbon tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức... Canada là một trong những đối tác gần gũi nhất của Việt Nam trong việc hỗ trợ các lựa chọn để theo đuổi mục tiêu này" - Đại sứ Shawn Perry Steil cho hay và nhấn mạnh: "Tôi tin rằng bước nhảy vọt tiếp theo cho Việt Nam và Canada sẽ là một đối tác hướng tới lợi ích của toàn thế giới".
Đánh giá cao vai trò ngày càng tăng trong khu vực và trên toàn cầu, một phần nhờ vào tăng trưởng kinh tế, cũng như sự hội nhập quốc tế "đáng kinh ngạc" của Việt Nam, Đại sứ cho rằng Việt Nam là một đối tác và hậu thuẫn quan trọng giúp Canada đạt được quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN.
Vừa qua, Đại sứ quán Canada tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada (21/8/1973-21/8/2023). Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada trên nhiều lĩnh vực. Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 1973 là một năm đầy ắp các sự kiện lịch sử đối với Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Đây cũng là năm mà Canada - trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Pierre Trudeau, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình vẫn còn nhớ nghĩa cử của Thủ tướng Pierre Trudeau khi ông phản đối chiến tranh leo thang và là một trong những nguyên thủ phương Tây đầu tiên quyết định thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam vào thời điểm khó khăn. Việt Nam trân trọng những đóng góp của Chính phủ Canada trong tiến trình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam qua hai lần tham gia Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Đây là tiền đề để quan hệ giữa hai nước trong 50 năm qua vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, không ngừng phát triển và củng cố, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Canada và mong muốn quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường theo hướng hữu nghị, hợp tác, ổn định lâu dài, cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Canada ngày càng quan tâm và đóng góp tích cực cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN cũng như vài trò “cầu nối,” “cửa sổ thương mại” của Việt Nam đối với khu vực.
Đại sứ Canada Shawn Steil nhấn mạnh, “hướng tới tương lai, Canada coi Việt Nam là đối tác chủ chốt trong một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh, thịnh vượng, phát triển toàn diện và bền vững hơn”.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/8/1973 và tháng 11/2017, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Tuyên bố chung về việc Việt Nam và Canada xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đề ra các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác là chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân. |