Tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói rằng, các cuộc đàm phán thương mại với Canada đang diễn ra tốt đẹp và Ottawa muốn thực hiện thỏa thuận với Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Canada - Chrystia Freeland đã trở lại Washington để tiếp tục đàm phán với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - Robert Lighthizer.
Ngành công nghiệp sữa được bảo hộ của Canada là một trong ba điểm mấu chốt trong đàm phán NAFTA giữa hai nước, cùng với vấn đề hệ thống giải quyết tranh chấp và bảo vệ văn hóa cho các công ty truyền thông Canada. Trước đó, Trump đã ký thỏa thuận với Mexico và cho biết ông sẵn sàng loại Canada khỏi hiệp định sửa đổi nếu Ottawa không chấp nhận các điều khoản thuận lợi hơn đối với Hoa Kỳ. Vào ngày 1/10 là thời hạn cho đàm phán lại NAFTA, Canada đã chuẩn bị để đưa ra các nhượng bộ tương tự đối với ngành sữa như: đã thống nhất trong các thỏa thuận thương mại tự do của nước này với Liên minh Châu Âu và các quốc gia thuộc vùng Thái Bình Dương. Những người nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ từ lâu đã yêu cầu tiếp cận thị trường Canada nhiều hơn và cũng không hài lòng với quyết định của Canada cho phép người nông dân bán sữa giàu protein cho các nhà chế biến nước này với mức giá thấp hơn, cắt giảm nguồn cung cấp của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada - Chrystia Freeland |
Đổi lại nhượng bộ về sữa, Canada có thể yêu cầu Hoa Kỳ nhượng bộ về cơ chế giải quyết tranh chấp tại Chương 19 của Hiệp định, cho phép Canada chống lại các thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ mà Ottawa coi là không hợp lý. Thủ tướng Canada - Justin Trudeau từng nói, cơ chế này rất quan trọng đối với một Hiệp định NAFTA mới, nhưng Mexico đã đồng ý từ bỏ nội dung này. Đàm phán giữa Hoa Kỳ và Canada hiện đang ở giai đoạn nước rút và rất căng thẳng, với “rất nhiều điều phải suy nghĩ”..
Canada đang làm việc với giả định có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 9. David Wiens - Phó Chủ tịch Nhóm vận động những người nông dân chăn nuôi bò sữa của Canada cho biết, nông dân Canada đã bị mất khoảng 5% thị trường nội địa trị giá khoảng 21 tỷ đô la Canada (tương đương 17 tỷ USD). Và rõ ràng là họ không muốn mở cửa thêm thị trường sữa cho Hoa Kỳ. Năm 2016, sau khi giành được tiếp cận thị trường lớn hơn trong hiệp định với EU, Chính phủ Canada đã phải trả tiền cho các trang trại và các nhà chế biến sữa hàng trăm triệu đô la để bù đắp tổn thất. Dự kiến đang xảy ra điều tương tự với hiệp định trong khuôn khổ Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang phải đối mặt với áp lực từ Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ - Chuck Schumer - là người muốn có thêm tiếp cận thị trường sữa của Canada cho những nhà sản xuất từ phía Bắc bang New York, trong bối cảnh Đảng Dân chủ đang hy vọng sẽ nắm quyền kiểm soát Quốc hội Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.