Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet
Chiều 6/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 2/2024; kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của bộ, của ngành thông tin và truyền thông được báo chí và dư luận quan tâm.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo chiều 6/3 |
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 653.284 tỷ đồng, tăng 24,55% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Đồng thời, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 16.053 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 15,8% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).
Trong 2 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/2/2024 về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ đã chỉ đạo cập nhật hơn 3.000 kênh nội dung được khuyến nghị chọn quảng cáo. Đây là lần thứ 3 danh sách này được bộ công bố công khai. Việc xây dựng và công bố White List và Black List là một trong những giải pháp được bộ triển khai từ giữa năm 2022 nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.
Về công tác xử lý vi phạm, bộ đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Quyết định số 14/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Cổ phần Omnicom Media Việt Nam do đặt sản phẩm quảng cáo trên kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng; Quyết định số 07/QĐ-VPHC xử phạt Công ty TNHH một thành viên Thương mại TI KI do không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản khi thay đổi địa điểm trụ sở chính, không làm thủ tục đăng ký lại hoạt động phát hành xuất bản phẩm khi thành lập chi nhánh và không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.
Xử lý 7 vụ vi phạm về sử dụng tần số
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu một số vấn đề đáng chú ý. Cụ thể, người dùng Việt có xu hướng ưa thích sử dụng các ứng dụng miễn phí hoặc dịch vụ miễn phí trên các ứng dụng
Số liệu cho thấy trong tháng 1/2024, mặc dù Việt Nam giữ vị trí top 11 toàn cầu về tổng số lượt tải trên thiết bị di động, tuy nhiên mức chi tiêu cho các dịch vụ qua nền tảng (revenue in app-purchase) đang tạm ước đạt 31,5 triệu USD, xếp thứ 34 quốc gia có doanh thu trên các ứng dụng cao nhất toàn cầu, chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines).
Theo ghi nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ, KOL và influencer có lượng theo dõi cao quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng tiếp tục tái diễn. Đáng chú ý, đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này còn ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát hiện và cảnh báo. Đồng thời, đề nghị các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với bộ để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này.
Về công tác xử lý vi phạm lĩnh vực tần số, trong tháng 2/2024, bộ đã xử lý 7 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 2 vụ, cảnh cáo 5 vụ. Qua công tác kiểm soát tần số, đã kịp thời phát hiện 1 đối tượng đi xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP. Hồ Chí Minh và đã phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ.
Ngoài ra, về công tác rà quét, phát hiện và cảnh báo an toàn thông tin mạng, số liệu từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tiếp tục ghi nhận có 31 đơn vị (19 tỉnh, thành phố và 12 bộ, ngành) còn tồn tại các website của đơn vị bị lợi dụng để tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại, chủ yếu đến từ các game bài, cờ bạc đổi thưởng…
Trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đấu giá các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz cho thông tin di động IMT (dự kiến vào các ngày 8/3; 14/3 và 19/3/2024). Triển khai đánh giá các cổng dịch vụ công, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công. Cùng với đó, xây dựng và trình: Báo cáo tình hình thực hiện năm 2023 của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động 2024 triển khai Chiến lược bưu chính; Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh sai phạm trong hoạt động báo chí, trọng tâm là đối với các tạp chí… |