Làm rõ vụ Khu du lịch xây dựng không phép tại Đồng Nai |
Tuy nhiên, sẽ khó xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng không phép này nếu các cơ quan chức năng không cương quyết hỗ trợ địa phương.
Theo tài liệu chúng tôi được chính quyền cung cấp, Nhà hàng Bình Xuyên tọa lạc trên khu đất rộng 24.857m2 thuộc quy hoạch khu B-Làng Ðại học đã có Quyết định thu hồi đất số 865/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11/1996. Thời điểm chủ đầu tư vi phạm là năm 2009 và 2014... Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, nếu chủ đầu tư Nhà hàng Bình Xuyên không chấp hành, công trình sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Nhà hàng Bình Xuyên đã vi phạm chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp, chiếm rạch... tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại Luật Ðất đai năm 2013. Và cũng như nhiều công trình vi phạm khác, chủ đầu tư Nhà hàng Bình Xuyên "xin cứu xét cho nhà hàng này tồn tại đến hết Tết Nguyên đán, sau đó sẽ tự tháo dỡ".
Còn tại công trình vi phạm khác ở Nhà hàng Hương Dừa (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), cơ quan chức năng ghi nhận phần đất 13.356m2 đã bị "băm nát" làm hai khu. Một khu gồm 79 căn nhà, xây hai dãy, tiếp giáp mặt tiền đường Him Lam rộng hơn 2.000m2; một khu xây dựng các hạng mục nhà gỗ, xưởng may gia công, nhà mặt tiền, rạp chiếu phim, nhà hàng, bãi đỗ xe ô-tô với tổng diện tích xây trái phép khoảng 10.000m2.
Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh cho biết, công trình vi phạm này đã có kết luận của các cơ quan chức năng, nhưng việc xử lý rất khó khăn do chủ đầu tư không hợp tác, liên tục khiếu kiện. Bên cạnh đó, nhiều công trình nhà (không phép), phòng trọ trên đất nông nghiệp, đất rạch... đã được chủ đầu tư bán, sang tay, cho thuê nên dễ phát sinh phức tạp... Theo chúng tôi nắm được, ngày 23/9/2020, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao Thanh tra thành phố và các đơn vị liên quan xử lý các vụ việc, sai phạm mang tính điển hình ở Bình Chánh. Tiếp đó, Thanh tra Sở Xây dựng cũng có công văn gửi Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh yêu cầu xử lý dứt điểm các công trình vi phạm.
Các sự vụ nêu trên cũng tương tự công trình không phép tại Gia Trang quán-Tràm Chim resort (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) mà Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã phải huy động 210 thành viên tham gia cưỡng chế với kinh phí 722 triệu đồng. Và cũng với lý do chủ công trình sai phạm nêu là: "Trước ngày cưỡng chế tôi đã nộp đơn tự nguyện xin tháo dỡ với điều kiện chỉ rõ công trình và vị trí vi phạm…", chủ đầu tư này đã khởi kiện các quyết định của chính quyền ra tòa. Vì vậy, dù quyết định cưỡng chế của Thanh tra Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã ban hành từ cuối năm 2018 và năm 2019, nhưng đến nay (tháng 11/2022) lực lượng chức năng chỉ cưỡng chế được khoảng ba phần tư công trình vi phạm. Ðiều này gây bức xúc trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ðến tháng 6/2021, khi Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "bác toàn bộ đơn khởi kiện…" thì chủ đầu tư này chuyển sang hình thức "tố cáo" chính quyền xã Tân Quý Tây đến Công an thành phố, Thanh tra thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh bày tỏ bức xúc: "Chủ đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Diện tích vi phạm rộng 7.000m2 và chúng tôi bắt buộc họ phải trả lại hiện trạng. Trước khi tiến hành cưỡng chế, Ủy ban nhân dân huyện đã cử đoàn công tác tiếp xúc chủ đầu tư ba lần, nhưng người này không hợp tác, tìm cách trì hoãn, không tự nguyện tháo dỡ tổ hợp công trình vi phạm như trong các đơn mà vị này xin "cứu xét"; khi cưỡng chế thì thường xuyên livestream và mời các facebooker lăng mạ chính quyền; sau khi cưỡng chế, chủ đất không ký các biên bản giao tài sản, tự ý bỏ trống công trình, rồi trình báo mất trộm; làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi hòng làm giảm ý chí thực thi công vụ của cán bộ…
Theo một cán bộ lãnh đạo huyện Bình Chánh, vi phạm tại Gia Trang quán được các đồng chí Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban kiểm tra Thành ủy quan tâm, chỉ đạo xử lý dứt điểm. Nhưng do tố cáo của chủ đầu tư, Thanh tra thành phố có Quyết định 190/QÐ-TTTP ngày 26/7/2022 yêu cầu xác minh nội dung tố cáo của công dân. Việc này làm chậm quy trình cưỡng chế của huyện (theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố) dù tòa án các cấp, cơ quan công an cũng bác đơn hoặc khẳng định "nội dung tố cáo là không có cơ sở". Lãnh đạo huyện Bình Chánh kiến nghị cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá công tâm, khách quan, sớm báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kết luận nội dung tố cáo là không có cơ sở, tố cáo sai, để tạo niềm tin cho cán bộ, công chức đang thực thi nhiệm vụ, tiếp tục xử lý các sai phạm còn lại tại Gia Trang quán, từ đó thực hiện hiệu quả hơn Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.