Sau nhiều năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Nông nghiệp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao và tạo động lực lớn cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra nông sản an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hai yếu tố ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất nông sản an toàn là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cả hai yếu tố này đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nông sản và sức khỏe con người nều con người sử dụng chúng mà không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong canh tác. Bởi vậy, ngày nay, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến việc sử dụng những sản phẩm sach, đạt chuẩn an toàn như VietGAP, AsianGAP, Global, hữu cơ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Thay vì chú ý đến giá cả, nhiều người tiêu dùng đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chỉ chọn mua các loại nông sản có thương hiệu uy tín, được bày bán ở những nơi tin cậy.
“Cần xây dựng chuỗi nông sản an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng những loại nông sản tốt nhất. Từ đó, đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như phục vụ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng” – ông Thi kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến của ông Thi, PGS.TS Ngô Thị Thuận – Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: “Trong sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn, liên kết sản xuất cực kỳ quan trọng. Đó là sự hợp tác của các hộ nông dân, trang trại thông qua hợp tác xã hoặc hội nông dân với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản theo cơ chế doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào cơ bản như giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.”
Đánh giá về mô hình liên kết, vai trò trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cần bắt đầu từ nhận thức an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, không phải trách nhiệm của riêng nhà nước.
“Trong nhiều chuỗi nông sản thực phẩm an toàn được xác nhận, việc quản lý an toàn thực phẩm còn tách riêng khỏi quản lý chất lượng của chuỗi và vẫn được coi trách nhiệm của nhà nước. Kinh nghiệm của các chuỗi thành công cho thấy an toàn thực phẩm không phải là một yếu tố của lợi thế cạnh tranh của chuỗi mà chỉ là một điều kiện cần, tuy nhiên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm tự nguyện, các chủ thể kinh doanh sẽ nhận được nhiều lợi ích như có cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp quốc tế và trong nước, giảm rủi ro về mất lòng tin người tiêu dùng,…” – ông Đào Thế Anh khẳng định.
Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Nhằm đẩy mạnh vai trò và hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, truyền thông là một yếu tố đặc biệt quan trọng để thay đổi nhận thức của người sản xuất nông sản. Bà Dương Nga – Trưởng ban Xúc tiến thương mại Báo Công Thương - cho biết, trong những năm qua, việc truyền tải các thông tin về sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn tương đối phong phú, qua nhiều hình thức khác nhau trên các kênh như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình,…
“Báo Công Thương đã tuyên truyền về nông sản trên các chuyện mục như: Nông nghiệp, OCOP, Xúc tiến thương mại, Xuất nhập khẩu trên tất cả các ấn phẩm để người sản xuất, người dân, người tiêu dùng trong nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm nông sản, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam” - Bà Nga chia sẻ.
Các diễn giả tại buổi hội thảo đều đề nghị, trong thời gian tới cần nhìn nhận nghiêm túc và đẩy mạnh mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn trên mọi lĩnh vực.