Cần Thơ: Chợ đêm Ninh Kiều ế ẩm do ảnh hưởng triều cường Cần Thơ: Khởi tố kẻ cướp ô tô rồi gây tai nạn làm 7 người thương vong Cần Thơ: Nghịch lý, xây dựng cống chống ngập càng ngập sâu hơn |
Trả lời phóng viên với Báo Công Thương, ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã và đang tích cực triển khai các biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm đối với ngành hàng, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý như: Xăng dầu, thương mại điện tử, thuốc lá, vàng…
Cụ thể, đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ đã tiến hành 79 cuộc kiểm tra trong 9 tháng đầu năm. Qua đó, phát hiện và xử lý 70 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 1,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm không niêm yết giá, biển hiệu không đúng quy định, nhãn hàng hóa không đầy đủ thông tin, sử dụng biểu tượng chưa được phép và buôn bán hàng giả. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới gần 2,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 177 triệu đồng.
Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ đang kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn. Ảnh Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ |
Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các lĩnh vực khác như: Thuốc lá, xăng dầu, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, đơn vị đã kiểm tra 6 vụ, xử lý 2 vụ với tổng số tiền phạt 14,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không niêm yết biển báo cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và kinh doanh thuốc lá khi giấy phép đã hết hạn. Đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, đã kiểm tra xử lý 7 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu; phạt tiền 98,1 triệu đồng, trị giá buộc tiêu hủy 185,1 triệu đồng.
Trong lĩnh vực xăng dầu, qua 11 cuộc kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ đã phát hiện 3 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 37,5 triệu đồng, với các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến quản lý môi trường và hoạt động kinh doanh. Lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng ghi nhận 53 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 362 triệu đồng, tập trung vào việc kinh doanh hàng lậu và vi phạm vệ sinh môi trường.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Cần Thơ khám phương tiện cất giấu thuốc lá điếu nhập lậu. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ |
Ngoài ra, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ đã xử lý 64 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 872 triệu đồng, chủ yếu là buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị kiểm tra và xử lý 17 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 365 triệu đồng, tập trung vào các vi phạm về thủ tục kinh doanh và nhãn mác giả.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ cũng cho biết, ngoài việc tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Công Thương, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác giám sát các mặt hàng thiết yếu khác nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và sự ổn định của thị trường.
Kết quả Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ đã thực hiện kiểm tra 580 vụ, phát hiện 489 vụ vi phạm, trong đó xử lý 488 vụ, thu nộp ngân sách tổng cộng 5.923.179.507 đồng. Trị giá hàng hóa bị tịch thu là 144.500.000 đồng và hàng hóa buộc tiêu hủy là 1.207.850.000 đồng.
Đặc biệt, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TP đã xử lý 16 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 722.522.500 đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 227.780.000 đồng, trị giá hàng hóa trả về khắc phục là 1.376.725.000 đồng.
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu gồm buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
Ông Nguyễn Hùng Em nhấn mạnh, trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, khi hoạt động thương mại sôi động, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả thường diễn ra phức tạp.
Do đó, để bình ổn thị trường và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo các đội phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như thực phẩm, xăng dầu, gas, rượu, bia và thuốc lá, góp phần đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh tình trạng khan hàng, đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.