Gói thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư và nhà thầu có nhiều dấu hiệu bất thường?
Chiều ngày 23/8, trong khi đang đào đất hố móng, bất ngờ xảy ra vụ sạt lở thành hố khiến 2 công nhân bị vùi lấp tại chỗ. Vị trí xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng là hạng mục có ký hiệu CT3-PW-2.4 thuộc Gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na. Đây là dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ.
Vụ tai nạn tại Dự án xây dựng cầu Trần Hoàng Na khiến 2 người thương vong. Ảnh TTXVN |
Gói thầu này được thực hiện bởi liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty Cổ phần Cầu 14 (Công ty Cầu 14), với giá trị trúng thầu hơn 791 tỷ đồng. Đơn vị giám sát thi công là Công ty TNHH Dasan Consultants; đơn vị thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam. Gói thầu thi công kéo dài gần 4 năm với nhiều lần lỡ hẹn, và được thông xe vào tháng 4/2024.
Theo hồ sơ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, liên danh Cienco 1 - Cầu 14 sẽ đảm nhận việc xây dựng cầu Trần Hoàng Na có 4 làn xe, tổng chiều rộng nhịp chính là 23m, chiều rộng nhịp cuối là 30,5m. Tại vị trí mặt cắt ngang mố M1, đường Trần Hoàng Na được mở rộng lên 37m. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 820m, trong đó tổng chiều dài cầu là 586,9m; cầu được xây dựng dạng cầu vòm thép chịu lực, chạy giữa gồm 3 nhịp kết cấu theo 49+150+49m. Nhịp dẫn sử dụng kết cấu dầm super-T bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Mố tường bê tông cốt thép đặt trên 4 cọc khoan nhồi đường kính D1200mm.
Gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na do liên danh Cienco 1 - Công ty Cầu 14 thi công. |
Về khối lượng phân bổ trong liên danh, Cienco 1 đảm nhận 77% khối lượng thi công, Công ty Cầu 14 đảm nhận 23% khối lượng. Mặc dù chủ đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhưng gần một tháng sau đó mới công bố thông tin.
Liên danh nhà thầu Cienco 1 - Cầu 14 cũng phải lắp đặt hệ thống chiếu sáng giao thông và trang trí trước khi nghiệm thu. Thời gian quy định ban đầu trong hợp đồng với chủ đầu tư là 1.033 ngày.
Tháng 4/2024, cầu Trần Hoàng Na đã chính thức thông xe. Tuy nhiên, liên danh nhà thầu vẫn tiếp tục thi công các hạng mục hoàn trả hệ thống thoát nước mưa dọc hai bên đường gom dân sinh dưới cầu Trần Hoàng Na (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).
Theo kế hoạch ban đầu, gói thầu CT3-PW-2.4, xây dựng cầu Trần Hoàng Na có thời gian thi công 34,4 tháng. Tuy nhiên, để phù hợp với hiệp định vay vốn, Ban quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ đã đàm phán với nhà thầu rút ngắn tiến độ thực iện công trình với thời gian hoàn thành là 22 tháng
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, liên quan đến gói thầu thi công cầu Trần Hoàng Na, từ khâu mời thầu đến triển khai thi công, có thông tin xung quanh nghi vấn trong yêu cầu nhân sự chủ chốt, chỉ định thép của một nhà sản xuất duy nhất của chủ đầu tư, cho đến việc xin thay thế nhà thầu phụ của đơn vị trúng thầu.
Chủ đầu tư và quá khứ nhiều chuyện buồn
Ngoài ra, Ban quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ cũng dính lùm xùm xung quanh dự án xây dựng hồ chống ngập Búng Xáng bị ngập. Đây là công trình được người dân quan tâm và báo chí phản ánh về một số bất cập khi công trình đưa vào sử dụng, như tình trạng ngập, rác thải, hệ thống chiếu sáng, lan can an toàn… không đạt chuẩn. Trong khi đó, mục tiêu của dự án là cải thiện vệ sinh môi trường, tăng lưu lượng dự trữ nước và góp phần chống ngập cho trung tâm thành phố.
Rác thải tràn ngập quanh hồ Búng Xáng mỗi khi thủy triều lên. Ảnh TTXVN |
Trước đó, năm 2019, công trình hồ Búng Xáng cũng gây xôn xao dư luận khi một người phụ nữ rơi xuống hồ tử vong. Nguyên nhân được cho là thiết kế hồ không có lan can nên người tham gia giao thông rất khó phân biệt được ranh giới giữa đường và hồ khi thủy triều dâng cao. Tại dự án này, dư luận cũng bàn tán xung quanh câu chuyện nhà thầu phụ treo bảng đòi thanh toán phần giá trị thi công và tiền cho thuê thiết bị liên quan đến nhà thầu chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi và các liên danh.
Tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND TP. Cần Thơ, đại diện Ban quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ lý giải, công trình Búng Xáng thuộc khu vực trũng, địa chất yếu nên trong quá trình triển khai, chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế phù hợp với điều kiện thi công thực tế. Điều này dẫn đến chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện và phát sinh chi phí.
Thường trực HĐND TP. Cần Thơ chất vấn, cao độ trung bình của thành phố là 2 mét, tại sao thiết kế cao độ của hồ Búng Xáng chỉ 1,65 mét, thấp hơn mực nước lũ, khiến nước ngập hết lối đi bộ. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND yêu cầu Ban quản lý dự án ODA giải thích về việc chia nhỏ gói thầu, dự án có 9 gói thầu nhưng có đến 15 nhà thầu, có gói có 3 nhà thầu cùng thực hiện một công việc.
Năm 2022 sau khi đưa hồ chống ngập vào sử dụng thì hồ bị ngập và ô nhiễm môi trường do rác thải. Ảnh PLO |
Liên quan đến dự án xây dựng hồ Búng Xáng, tháng 2/2024, Thanh tra TP. Cần Thơ kết luận, Ban Quản lý dự án ODA thành phố tự bổ sung đường đi dạo dọc hồ Búng Xáng vào hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và phê duyệt là không đúng quy định.
Theo kết luận của Thanh tra TP. Cần Thơ, công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán gói thầu CT-PW-2.4 - Thi công xây dựng hồ Búng Xáng không có các văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP. Cần Thơ về việc điều chỉnh, bổ sung, giảm quy mô đầu tư cụ thể cho từng hạng mục thuộc gói thầu.
Thanh tra thành phố khẳng định, Ban Quản lý dự án ODA phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu nói trên không phù hợp với hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt. Đáng nói hơn, theo hồ sơ thiết kế cơ sở, dự án được phê duyệt không có đường đi dạo dọc hồ, nhưng chủ đầu tư tự ý bổ sung vào giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công là không đúng quy định, không phù hợp với hồ sơ dự án, thiết kế cơ sở.
Con đường di dạo dọc bờ hồ Bún Xáng thường xuyên ngập trong nước. Ảnh CAND |
Đối với việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA và cán bộ phụ trách các gói thầu thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, dẫn đến các đơn vị thi công thực hiện không đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Một số gói thầu đến nay chưa hoàn thành, và một số phát sinh không đúng theo khối lượng thi công thực tế.
Công trình hồ Búng Xáng do Ban quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng. Công trình có chức năng điều tiết nước, chống ngập và là địa điểm tham quan, hoạt động văn hóa, thể thao của TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được bàn giao cho địa phương quản lý, và thiết kế tuyến đường đi ven hồ “độc nhất vô nhị” khiến công trình không thể phát huy hết chức năng. Đường đi quanh hồ Búng Xáng gây bức xúc cho người dân do thường xuyên bị ngập khi nước lên và biến thành nơi chứa rác gây ô nhiễm môi trường.
Người dân bất ngờ vì đường Hoàng Quốc Việt bị thắt nút cổ chai. Ảnh TTO |
Mới đây, dư luận hết sức bất ngờ khi công trình nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Quốc Việt, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, sau nhiều lần lỡ hẹn, vừa đưa vào sử dụng (tháng 6/2024) nhưng đã xuất hiện nút thắt cổ chai, gây khó khăn cho xe cộ qua lại. Tuyến đường dài khoảng 3,4km, nối từ tỉnh lộ 923 đến Quốc lộ 91B, có khoảng 20m còn lại giao với Quốc lộ 91B lại không được mở rộng.
Theo lý giải của Ban quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ (đại diện chủ đầu tư), đoạn đường trên thuộc quản lý của Cục Quản lý đường bộ IV (nay là Khu Quản lý đường bộ IV – Bộ Giao thông Vận tải), do không thỏa thuận được với cục này nên đoạn đường trên không nằm trong dự án.