Bà đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước hiện nay?
Có thể nói, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), cơ hội này không chỉ đến từ những chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu tiên phát triển CNHT, mà còn đến từ kết quả của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bà Đỗ Thị Thúy Hương |
Cụ thể, về chính sách phát triển CNHT, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn dành cho doanh nghiệp phát triển CNHT. Liên tiếp những năm sau đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng ban hành nhiều chính sách cho phát triển ngành CNHT và ưu tiên với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Gần đây nhất, vào tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP bổ sung điều khoản về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Về thu hút FDI, những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới. 10 tháng năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được hơn 23 tỷ USD vốn FDI, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu với vai trò là các nhà sản xuất đầu chuỗi đã xuất hiện tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, điện thoại như: LG, Samsung, Intel... Theo đó, cơ hội để các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là rất lớn.
Cơ hội thì như vậy, nhưng tại sao cho đến nay, ngành CNHT của Việt Nam vẫn được đánh giá chưa phát triển, thưa bà?
Đúng như vậy, cơ hội thì có, nhưng ngành CNHT của Việt Nam cho đến thời điểm này theo tôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù đây được đánh giá là ngành vô cùng quan trọng đối với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hướng bền vững. Các chính sách khuyến khích ngành CNHT được thể hiện ở các văn bản chính sách pháp luật thì rất tốt, nhưng khi thực thi vào thực tế thì gặp phải rất nhiều hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận. Cụ thể, tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối tượng ưu đãi là dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm: Dự án mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi doanh nghiệp phải trải qua một quy trình đăng ký là doanh nghiệp CNHT, nhưng sau khi đăng ký xong thì trên thực tế doanh nghiệp CNHT cũng chưa được hưởng những chính sách gì, vì trong Nghị định quy định áp dụng đối với doanh nghiệp phải thành lập mới, còn doanh nghiệp CNHT đã đầu tư từ trước khi Nghị định ra đời, đang tham gia vào lĩnh vực CNHT cần được khuyến khích nhưng lại không được ưu đãi. Bên cạnh đó, những ưu đãi về miễn, giảm thuế đất cũng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, dù chính sách trên giấy tờ rất đẹp, nhưng trên thực tế vẫn ít doanh nghiệp CNHT được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm thuế, tiền thuê đất.
Một thực trạng nữa là, một doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong duy nhất lĩnh vực CNHT mà hoạt động trong nhiều mảng khác nhau, trong đó có sản xuất linh, phụ kiện để cung cấp cho nhà cung ứng đầu chuỗi (tức là có tham gia vào CNHT) nhưng những doanh nghiệp này lại không được đưa vào là đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Điều này là bất cập, bởi trong thời buổi kinh doanh linh hoạt như hiện nay, để tồn tại được, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh vào một lĩnh vực mà họ phải đa dạng hóa ngành nghề, tập trung vào nhiều lĩnh vực, miễn là được pháp luật cho phép.
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ |
Vậy theo bà, để tạo thuận lợi cho ngành CNHT phát triển, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
Về các giải pháp trước mắt, khi xem xét đánh giá một doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp CNHT không, thì theo tôi nên đi vào khâu hậu kiểm. Tức là, không xem xét, đánh giá tiêu chí doanh nghiệp CNHT như quy định tại Nghị định 111 đã nêu, mà nên thực hiện ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn vay, hỗ trợ đầu tư công nghệ... dựa trên hóa đơn thuế xuất hàng đầu ra của chính doanh nghiệp. Như thế, sẽ đảm bảo không bỏ sót những doanh nghiệp đang tham gia đóng góp 1 phần vào sản xuất CNHT, đồng thời đảm bảo tính chính xác cho từng phần cụ thể do doanh nghiệp đóng góp mà doanh nghiệp không bị đánh giá chỉ dựa trên những tiêu chí đầu vào.
Về giải pháp trong dài hạn, thứ nhất, để phát triển ngành CNHT, theo tôi trước tiên chúng ta cần xây dựng và ban hành Luật CNHT. Bởi đây được đánh giá là một ngành quan trọng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ luật được ban hành, trong khi đó, các chính sách ưu đãi chỉ dừng lại ở cấp nghị định sẽ bị hạn chế rất nhiều so với luật. Tôi nói ví dụ, khi văn bản đưa ra ở tầm nghị định sẽ vướng rất nhiều các văn bản khác liên quan đến hỗ trợ về mặt bằng, vốn, ưu đãi đầu tư… mà nghị định không thể vượt qua được. Nên việc ban hành Luật CNHT là hoàn toàn chính xác, liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội cũng đang kiến nghị tới Bộ Công Thương cần có Luật CNHT thì mới đủ mạnh, đủ quy mô, tầm vóc để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Thứ 2, theo tôi cần có những ưu đãi mạnh mẽ hơn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, nhất là cần quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp CNHT trong nước. Bởi so với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước bất lợi hơn về quy mô vốn, công nghệ, nguồn lao động và cả mối quan hệ với các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI hiện nay lại nhận được quá nhiều ưu đãi về đất đai, về chính sách thu hút đầu tư, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại không có được những ưu đãi này. Do đó, nếu chúng ta không thay đổi, không tạo ra ưu đãi công bằng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thì sân chơi trong lĩnh vực CNHT các doanh nghiệp trong nước sẽ bị thiệt thòi. Khi ấy, các doanh nghiệp ngoại sẽ chiếm hết phần “ngon” và thị phần, họ sẽ đầu tư vào những địa bàn có sẵn đất sạch, chỉ việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động luôn, trong khi đó, doanh nghiệp nội đi sau sẽ phải tập trung vào những vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận mặt bằng sạch và nguồn lao động chất lượng cao.
Xin cảm ơn bà!