Hoạt động buôn bán thuốc lá lậu trong năm 2022 được các chuyên gia dự báo sẽ phức tạp hơn năm ngoái. Điều này xuất phát từ việc từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại. Khi đó, nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm (trong đó có thuốc lá lậu), hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chia sẻ tại hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp”, diễn ra ngày 13/4, các đại biểu cho biết, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu. Đáng chú ý, hoạt động buôn bán này tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập khẩu bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Đó là chưa kể tới sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới trong những năm gần đây.
Ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam chia sẻ tại hội thảo |
Theo các diễn giả, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung phòng, chống thuốc lá lậu nhưng do địa bàn rộng, nhân sự và phương tiện thiếu thốn, sinh kế người dân địa phương còn nhiều khó khăn nên việc kiểm soát thuốc lá lậu vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Để việc chống thuốc lá lậu hiệu quả, ông Hồ Lê Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết: VTA và các doanh nghiệp đề xuất triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu. Các giải pháp này gồm: Tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, VTA cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.
Thuốc lá lậu bị thu giữ |
Hội thảo cũng dành một phần thời gian thảo luận về việc cần áp dụng chặt chẽ các hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá lậu đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định người có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ dưới 50 bao, sẽ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Như vậy, theo quy định này, chế tài xử phạt hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận dù chỉ 1 bao thuốc lá nhập lậu có thể bị phạt tiền tới 3 triệu đồng. Mức phạt cao theo quy định tại nghị định đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong công tác chống nạn thuốc lá nhập lậu bởi trước đó, quy định tại điều 25, Nghị định 124/2015/NĐ-CP, với số lượng dưới 10 bao, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.