Lý do VCCI đưa ra kiến nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn. VCCI nhận định, sản lượng hàng hóa tại các khu vực công nghiệp trọng điểm phía Bắc bị ảnh hưởng Covid-19, nhất là ở 2 tâm điểm dịch lớn là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, trong năm 2021 có thể sẽ bị sụt giảm khoảng 50% do dịch bệnh, kéo theo sự sụt giảm giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh trải rất rộng.
VCCI cho biết, nếu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 phải dừng hoạt động quá lâu, sẽ không tránh khỏi một làn sóng phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với khu vực FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ buộc phải rút khỏi thị trường, kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, thất nghiệp và gánh nặng an sinh xã hội sẽ gia tăng...
Do vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh hiện nay, Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp mới hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời. Có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao, chi phí đào tạo lao động.
Hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân đã trụ lại và vượt lên trong đại dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Theo VCCI, điều này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid ngừng hoạt động quá lâu có thể phá sản. Ảnh minh họa |
Theo dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, do vậy cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính dài hạn hơn. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam trong khi đã bị ảnh hưởng của dịch bệnh rất nặng nề, nhưng họ vẫn phải kinh doanh trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao so với tất cả các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời theo hướng làm giảm những chi phí phí vốn, vận tải, logistics, đất đai, chi phí về các thủ tục hành chính.
VCCI cũng đề nghị, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và các chính sách khác, để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính. Xem xét hỗ trợ hoặc điều chỉnh một số chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng: Hỗ trợ 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào giảm cho doanh nghiệp (giá điện…), điều chỉnh giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt. Các dự án này hoạt động tốt sẽ có vai trò dẫn dắt, tạo ra cơ hội kinh doanh để thu hút các doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác nhau có thể tham gia.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu và và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Cần có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc (ví dụ có thể tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm theo tuần; liên kết một số sàn thương mại điện tử để cùng thực hiện hoạt động này). Liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những tuần lễ kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp tổ chức online và tập trung.
Lan toả và nhân rộng các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Các hiệp hội doanh nghiệp cần chia sẻ kinh nghiệm, cách thức của các doanh nghiệp đã ứng phó hiệu quả để tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để phát triển trong tương lai…