Liên tiếp bắt giữ các vụ buôn bán pháo lậu số lượng lớn dịp giáp Tết Đà Nẵng: Bắt 3 đối tượng, thu giữ 140 kg pháo nổ Thanh Hóa: Khởi tố 2 đối tượng mua bán pháo nổ |
Liên tục bắt giữ pháo lậu, pháo giả nhãn hiệu Bộ Quốc phòng
Nắm bắt được nhu cầu mua pháo hoa về sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán của người dân, tình trạng sản xuất pháo nổ trái phép, buôn bán vận chuyển pháo nhập lậu... diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi, đặc biệt tại các vùng biên giới, cửa khẩu.
Ngày 8/1, Công an huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa triệt xóa thành công một đường dây mua bán pháo trái phép với quy mô lớn, bắt giữ 2 đối tượng, thu hơn 1,4 tấn pháo lậu.
Vào cuộc xác minh thu thập tài liệu, Công an huyện Nghi Lộc xác định, cầm đầu đường dây mua bán pháo nổ xuyên quốc gia là Nguyễn Văn An (SN 1998, trú thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc) và Ngô Xuân Trường (SN 1993, trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc). Để thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ trái phép, Trường và An móc nối người từ nước ngoài mua pháo, vận chuyển về nước qua đường tiểu ngạch. Khi tập kết pháo về địa phương, các đối tượng cất giấu trong ngôi nhà hoang hoặc khu dân cư... Tang vật thu giữ gồm hơn 1,4 tấn pháo các loại, 1 ô tô, 2 điện thoại di động và nhiều vật chứng liên quan vụ án.
Các đối tượng cùng tang vật bị bắt giữ. Ảnh: Công an Nghệ An |
Trong vòng 10 ngày, từ 24/12/2023 đến 4/1/2024, Công an huyện Nghi Lộc đã triệt phá thành công 3 đường dây buôn bán, tàng trữ pháo nổ số lượng lớn từ nước ngoài về Nghệ An, bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ trên 3,3 tấn pháo các loại.
Tại tỉnh Bình Thuận, trong 15 ngày cao điểm truy quét tội phạm (tính đến 4/1/2024), bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Công an Bình Thuận đã triệt phá được 14 vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sản xuất pháo nổ; bắt giữ 20 nghi can để điều tra theo quy định pháp luật.
Không chỉ nhập lậu, buôn bán trái phép, các đối tượng còn làm giả, làm nhái thương hiệu pháo của Bộ Quốc phòng. Ngày 8/12/2023, Công an TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã bắt giữ 4 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo hoa giả nhãn hiệu của Bộ Quốc phòng do Trịnh Đức Anh, sinh năm 1987, trú tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, TP. Hà Nội cầm đầu. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 500 giàn pháo hoa các loại tổng trọng lượng 600kg và nhiều thành phần công cụ sản xuất pháo hoa, hơn 50.000 tem nhãn giả pháo hoa của Bộ Quốc phòng và nhiều vật chứng khác. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, từ tháng 10/2023 đến nay đã câu kết với nhau để sản xuất và tung ra thị trường nhiều tấn pháo hoa giả của Bộ Quốc phòng với tổng số tiền giao dịch hơn 4 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến buôn bán pháo hoa nổ giả nhãn hiệu của Bộ Quốc phòng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Trần Văn Đạt vì buôn bán pháo hoa nổ giả mạo nhãn hiệu của Bộ Quốc phòng.
Pháo hoa nổ giả mạo nhãn mác pháo hoa Bộ Quốc phòng |
Theo đó, ngày 29/12/2023, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Cẩm Giàng phát hiện Trần Văn Đạt, sinh năm 1994, trú tại thôn Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương), hiện tạm trú tại thôn Phú Xá, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đi xe mô tô chở phía sau 1 thùng cát tông. Qua điều tra, lực lượng công an phát hiện bên trong thùng có tổng số 25,2kg pháo hoa dán nhãn mác y hệt pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an xác định đây là 30 giàn pháo hoa nổ giả mạo sản phẩm pháo hoa do Công ty TNHH một thành viên Hoá chất 21 - Bộ Quốc phòng sản xuất. Đối tượng khai nhận mỗi một giàn pháo hoa thu lợi 160.000 đồng. Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng công an tiếp tục thu giữ 4,2kg pháo hoa nổ và nhiều loại pháo hoa khác của Bộ Quốc phòng. Tổng số pháo hoa nổ thu giữ gần 30kg.
Tăng cường ngăn chặn buôn lậu pháo nổ dịp Tết Nguyên đán
Theo Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo. Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Bộ Công an cho hay, đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.
Theo quy định, việc sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Riêng vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo, nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đặc biệt, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép có thể bị phạt tù về tội gây rối trật tự công cộng với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật pháo lậu bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp |
Hiện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải; các đơn vị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh kinh tế và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển và các địa bàn nội địa trong thời gian tới, nhất là trong dịp gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cùng với đó, hiện Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo, nhất là đấu tranh ngăn chặn việc thẩm lậu pháo trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới.
Đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không tàng trữ, chế tạo, sản xuất, vận chuyển, mua bán pháo trái phép; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về pháo.
Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa của các doanh nghiệp sản xuất pháo hoa để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối từ khâu sản xuất đến khâu cung ứng sản phẩm ra thị trường theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn cháy nổ, an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.