Các đại biểu chủ trì hội thảo |
Nhiều vấn đề được thảo luận
Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu kinh tế. Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay, bao gồm: Kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Phân tích các thành công, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, nhận diện cơ hội, thách thức trong năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; phân tích, đánh giá về môi trường kinh doanh, đặc biệt là môi trường kinh doanh và các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2 thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phân tích vai trò kiến tạo của Chính phủ trong việc khơi thông và tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời gian qua và khuyến nghị cho những năm tiếp theo, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020...
Trong đó, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế. Cụ thể, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho rằng: Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã được nhắc đến và thực hiện từ năm 2011 đến nay, nhưng 6 năm qua không có nhiều thay đổi. Hoặc cấu trúc có thay đổi, nhưng chất không thay đổi.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, đây là vấn đề lớn và cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố ấn phẩm thường niên mang tên “Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển”. Nội dung ấn phẩm được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao. Theo đó, cùng với việc đánh giá toàn diện bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hàng năm và triển vọng các năm tới, Báo cáo của Trường đại học Kinh tế Quốc dân còn tập trung phân tích sâu vào một chủ đề phản ánh những vấn đề kinh tế cập nhật, có ý nghĩa quan trọng nhất của năm đó theo các góc cạnh nghiên cứu khác nhau. Là tài liệu quan trọng cho các Bộ, ngành của Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. |
Ngoài các chủ đề thảo luận chính, tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào 2 chủ đề lớn, bao gồm: Hoàn thiện thể chế tài chính cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán Việt Nam và vai trò của nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và hoàn thiện môi trường kinh doanh.
Thách thức vẫn lớn
Về triển vọng kinh tế 2017, các chuyên gia kinh tế đưa ra 2 phương án với mức tăng trưởng 6,0% và 6,6%. Theo đó, tăng trưởng cao hay thấp phụ thuộc vào việc thực hiện những nhiệm vụ của cả năm 2017 và Nghị quyết 23/2016/QH14 đặt ra, cũng như ý chí, quyết tâm và những tính toán khoa học thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ đến các ngành, địa phương, DN và toàn xã hội.
Toàn cảnh hội thảo |
Dự báo triển vọng kinh tế từ nay đến 2020, các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt thách thức đến từ những tồn tại của nền kinh tế từ nhiều năm trước, ngày càng bộc lộ rõ rệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và các chính sách điều hành kinh tế. Theo đó, để khắc phục những tồn tại này, Việt Nam cần tập trung vào giải quyết 3 vấn đề chủ chốt, bao gồm: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện các chính sách tạo sự lan tỏa tích cực từ tăng trưởng kinh tế đến cải thiện tiến bộ xã hội; đổi mới thể chế kinh tế theo các cam kết xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả, theo PGS-TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Việt Nam cần xác định rõ và chấp nhận cái giá phải trả. Vì nếu chúng ta không có quyết tâm, không có sự can thiệp mạnh mẽ vào mô hình cũ, để đấu tranh, loại bỏ những cái vô lối, thì không bao giờ tái cơ cấu thành công.