Ông Trần Chủng - Chủ tịch VARSI - cho biết: Luật PPP dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) tới đây rất quan trọng đối với các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Thực hiện các dự án PPP, vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 20%, vốn nhà nước khoảng 20% (vốn mồi), còn lại là huy động vốn từ ngân hàng. Đây là vấn đề hết sức thách thức với các dự án PPP, không chỉ trong xây dựng mà còn trong quá trình sau xây dựng, nếu không có các cơ chế, chính sách thích hợp thì rất khó thành công.
Ông Đào Việt Dũng - Chuyên gia cao cấp về quản lý nhà nước và PPP, thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: Tài chính cho các dự án PPP bắt đầu từ việc chuẩn bị dự án, đây là khâu quyết định sự thành bại. Tuy nhiên, dự thảo Luật PPP quy định: Căn cứ chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định, vốn đầu tư công trong dự án PPP được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo ông Dũng, qui định như vậy thì việc chuẩn bị dự án lại phải nằm trong xét duyệt của kế hoạch ngân sách 5 năm. Kinh nghiệm của ADB trong hỗ trợ chuẩn bị dự án PPP cho thấy, bên tài trợ vốn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, xét ở góc độ ngân hàng, vốn dự án PPP vay ngân hàng chiếm 60 - 70% nguồn tài chính tổng thể của dự án, nếu các ngân hàng thấy mức độ rủi ro lớn họ rất khó cho vay, nhà đầu tư sẽ không triển khai được dự án. Tại dự thảo Luật PPP quy định, trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP vi phạm quy định của hợp đồng cấp tín dụng phải chấm dứt hợp đồng, thì bên cho vay mới thực hiện tiếp quản dự án và đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư khác. Theo ông Dũng, nên qui định cho ngân hàng có quyền chọn, chỉ định nhà đầu tư với sự thẩm định của cơ quan nhà nước.
Phần vốn Chính phủ hỗ trợ để dự án khả thi tỷ lệ không nhiều nhưng là điều rất cần thiết. Theo ông Dũng, để bảo đảm bào tính linh hoạt đối với nguồn vốn này, Chính phủ nên có dòng ngân sách riêng cho dự án PPP. Bởi lẽ, PPP không phải hoàn toàn là đầu tư công, nếu trói vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ thiếu sự linh hoạt và khó khăn trong quản lý. Trong khi nếu có dòng ngân sách riêng thì việc bố trí vốn sẽ linh hoạt hơn, thông qua cơ chế quản lý riêng cho loại hình này bằng chế tài cụ thể để kiểm soát, bảo đảm quản trị của Bộ Tài chính, qua đó tạo điều kiện để triển khai dự án thành công. Nếu muốn thúc đẩy PPP thì đây chính là biện pháp, không nên gắn kết hoàn toàn nguồn vốn này với ngân sách Nhà nước trung hạn. Khi có dòng vốn ngân sách riêng cho PPP, nhà đầu tư sẽ thấy Chính phủ có cam kết rõ ràng, linh hoạt, họ sẽ an tâm hơn.
Đồng quan điểm nêu trên, ông Đoàn Giang - Chuyên gia quốc tế về PPP - cho rằng: Vốn của dự án PPP chiếm 70% vay ngân hàng, ngân hàng đương nhiên phải quan tâm đến bảo đảm quyền lợi của họ. Tại dự thảo Luật PPP mới nhất, chúng tôi lo ngại quyền của bên cho vay khi có vấn đề xảy ra. Trước đây các ngân hàng có quyền nhất định khi nhà đầu tư có vấn đề trong thanh toán khoản vay, đó là quyền ngân hàng được thiết lập không phải khi chấm dứt hợp đồng mà phải từ khi họ thấy có khả năng thu hồi vốn thì họ phải có quyền tham gia. Dự thảo Luật PPP hiện không cho ngân hàng quyền họ mong muốn, khi nhà đầu tư không trả được nợ họ chỉ được thông báo cho nhà đầu tư để thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư khác thay thế, chứ họ không được chỉ định nhà đầu tư, qui định như vậy là trái với thông lệ quốc tế.
Theo ông Đoàn Giang, nếu Luật PPP cho phép ngân hàng chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư không trả được nợ, thì đối với cơ quan nhà nước đây cũng là cách thức bảo đảm dịch vụ vẫn được cung cấp khi có vấn đề phát sinh giữa nhà đầu tư và bên cho vay. Vì thế, dự thảo Luật PPP nên điều chỉnh cho phép bên cho vay có quyền đề xuất chỉ định nhà đầu tư thay thế trong trường hợp hợp đồng cho vay của họ với nhà đầu tư có vấn đề.
Còn ông Trần Duy Hưng - Giám đốc Công ty Tư vấn Monitor Consulting - cho rằng, vốn của nhà nước tham gia dự án PPP là vốn mồi, rất quan trọng trong thúc đẩy dự án. Theo dõi xuyên suốt các văn bản pháp luật liên quan đến BOT trong hơn 10 năm vừa qua, nội dung dự thảo mới nhất Luật PPP về quy trình phân bổ lập vốn cho dự án PPP vẫn không có nhiều thay đổi, cơ bản là vẫn lập trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhìn lại khoảng 300 dự án theo hình thức PPP đã triển khai, Nhà nước chỉ tham gia giải phóng mặt bằng, hầu hết chưa dự án nào sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng (trừ dự án Dầu Giây Phan Thiết và cao tốc Bắc Nam). Ông Hưng đặt câu hỏi: Nếu lập vốn PPP từ đầu tư công trung hạn, thì vốn hỗ trợ xây dựng các dự án PPP có tồn tại ở Việt Nam hay không? Theo ông Hưng, việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn đối với dự án PPP là thiếu linh hoạt, khó quản lý rủi ro tài khóa, nên có quỹ hoặc dòng ngân sách riêng cho các dự án PPP. Dự thảo Luật PPP đầu tiên đã đưa ra phương án này, rất tiếc là đến giờ lại không còn nữa và quay lại phương án cũ, tích hợp vốn PPP trong đầu tư trung hạn lặp lại những trở ngại đã phát sinh trong hơn 10 năm qua.