Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận |
Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) là một trong các dự án luật được thực hiện lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 này và biểu quyết tại các kỳ họp sau.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án luật này. Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội diễn ra chiều ngày 9/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tái cơ cấu nợ công trong thời gian qua đã diễn ra rất tốt dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, giá dầu thô giảm và Chính phủ đẩy nhanh lộ trình để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.Theo đó thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015 vẫn gấp 1,95 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Về chi NSNN, chi thường xuyên đã tăng mạnh. Tốc độ tăng chi an sinh xã hội không kể tiền lương của giai đoạn này tăng 18%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước. Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011-2015 được bố trí dự toán ở mức khoảng 18,2% tổng chi, thấp hơn của giai đoạn 2006-2010. Nhưng trong điều hành, tỷ trọng chi đầu tư đã tăng lên, thực tế quyết toán đạt 23,6% trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ công tăng cao là do giải ngân cao hơn, dự toán quá cao dẫn đến bội chi tăng cao (giai đoạn 2011-2015 bội chi là 5%). Đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng |
Báo cáo tiếp thu giải trình làm rõ tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, xong công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể, về mặt pháp luật, luật hiện tại chưa thống nhất được phạm vi nợ công, như việc liệu có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào nợ công hay không; chưa phân định rõ ràng giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công; chưa tách bạch quy định về quản lý vốn vay của Chính phủ theo từng nguồn vốn huy động trong điều kiện Việt Nam dần không còn tiếp cận được nhiều vốn vay ODA.
Các quy định về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ cũng đã bộc lộ những hạn chế cả về đối tượng, điều kiện cho vay lại, cấp bảo lãnh và cơ chế quản lý, giám sát sử dụng vốn vay, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ.
Công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao. Cùng đó, quá trình thực hiện đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần. Trong đó, vay nợ Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 11,5 lần (274,2 nghìn tỷ đồng/23,9 nghìn tỷ đồng); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỷ đồng/7,5 nghìn tỷ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (243,9 nghìn tỷ đồng/35,9 nghìn tỷ đồng).
Do đó, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là yêu cầu cấp thiết để khắc phục những tồn tại của luật hiện tại, phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và một số luật đã được Quốc hội ban hành thời gian qua.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, dù còn một số ít ý kiến khác nhau nhưng cơ bản các đại biểu đều tán thành sửa đổi Luật Quản lý nợ công; Rà soát các điều khoản cho hợp lý về nhiều vấn đề như thẩm quyền, phân công trách nhiệm, chỉ tiêu an toàn nợ công…