Cũng được gọi là "thuốc lá", nhưng khác nhau
Cũng được gọi là "thuốc lá", nhûng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng lại có cơ chế hoạt động khác nhau. Ở thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử không diễn ra quá trình đốt cháy mà dùng sức nóng của nhiệt từ thiết bị điện tử để tạo ra làn hơi. Do không có quá trình đốt cháy, không tạo ra khói, nên hàm lượng các chất từ làn hơi thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn khác với khói thuốc lá truyền thống, vì vậy mức độ rủi ro cho sức khỏe của người tiêu dùng khác nhau.
Öng John Newton - Giám đốc Trung tâm Nâng cao sức khỏe Anh quốc - đã từng khẳng định: “Các sản phẩm thuốc lá điện tử ít gây hại hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường, ít nhất ở mức 95%, và có rủi ro không đáng kể đối với người xung quanh. Dù vậy, hơn phân nửa số người hút thuốc lá không biết điều này hoặc tin tưởng một cách sai lầm rằng thuốc lá điện tử có hại giống như thuốc lá thông thường”.
Ngoài ra, một báo cáo về “Giảm thiểu tác hại thuốc lá - bằng chứng cập nhật” được công bố tháng 8/2019 của Viện nghiên cứu R Street của Mỹ cho thấy, trong số những người hút thuốc hiện tại và những người bỏ thuốc gần đây, người dùng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng cai thuốc hơn những người không sử dụng hình thức này, tỷ lệ lần lượt là 65% và 40% và họ cũng có cơ hội thành công cao hơn ở mức tương ứng là 8,2% và 4,8%.
Quy định hiện hành chưa phù hợp với các sản phẩm “thế hệ mới”
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có chính sách quản lý cụ thể đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo thành viên trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cần phải trải qua giai đoạn thí điểm trước khi xây dựng khung pháp lý áp dụng cho dòng sản phẩm thế hệ mới này.
Theo đó, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu và vẫn còn rất mới mẻ với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, các dữ liệu hiện có chưa đủ để xây dựng một khung pháp lý toàn diện cho các sản phẩm; vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần có đủ thông tin chính xác, nhằm đánh giá tác động kinh tế và xã hội của cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử trước khi xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh.
Kinh nghiệm từ một số thị trường nước ngoài, ví dụ như Nhật Bản cho thấy, thuốc lá làm nóng, khi đưa ra thị trường đã gây sụt giảm nghiêm trọng sản lượng của thuốc lá truyền thống. Tại Việt Nam, ngành thuốc lá truyền thống hiện đang đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 17 nghìn tỷ đồng. Nếu đưa sản phẩm thuốc lá làm nóng vào đối tượng thuộc Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá (Nghị định 67) dẫn tới quan ngại rằng, các công ty thuốc lá nước ngoài ồ ạt đưa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp thuốc lá truyền thống cũng như việc làm của hàng ngàn lao động trong ngành thuốc lá và cuộc sống của nông dân trồng thuốc lá trong cả nước. Các thành viên trong Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nhận định, ngành thuốc lá truyền thống cần ít nhất 12 tháng chuẩn bị để cạnh tranh với các sản phẩm thế hệ mới, đặc biệt là trong giai đoạn mà tất cả các doanh nghiệp đều đang phải gồng mình đối phó với dịch Covid-19.
Vì vậy, việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp cho các dòng sản phẩm thế hệ mới, dung hòa quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, doanh nghiệp, nông dân trồng thuốc lá và người tiêu dùng cần sớm được xây dựng, thực hiện thí điểm và tiến tới ban hành để thực thi.