Nhật Bản cung cấp giải phát triển đường cao tốc công nghệ cao Triển khai thu phí tự động tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý Tận dụng cơ hội từ EVFTA: Bài I - Đường “cao tốc” vào EU đã mở |
Phát biểu tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 10/6, đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn TP. Hà Nội cho rằng, trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc và thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận ngày 10/6 |
Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc đa mục tiêu như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, thời gian qua TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị tích cực cho dự án này. Qua thảo luận nhiều đại biểu đồng ý với chủ trương phát triển hai tuyến đường này, đại biểu cũng hy vọng Quốc hội sẽ thông qua chủ trương này.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các tuyến đường này như là mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch; tư duy mới của một chính sách bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.
"Do đó, trong quá trình triển khai dự án, chúng ta không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương, tinh thần đổi mới sáng tạo của họ, mà còn phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới" - đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - đoàn Bến Tre đánh giá, Chính phủ đã trình dự án rất kịp thời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với hai đầu tàu kinh tế của cả nước và hy vọng khi triển khai, hai dự án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, kích thích sự phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh.
Theo đại biểu đoàn Bến Tre, hai dự án này có nguồn vốn đầu tư rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn địa phương với nguồn vốn địa phương, có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, nguồn vốn Trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các tỉnh thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án.
"Nếu tăng thu thì phải phụ thuộc vào thu ngân sách hàng năm theo dự toán Trung ương giao. Nguồn tăng thu còn dùng cho quỹ cải cách tiền lương, dành cho nhiều mục tiêu khác như trả nợ công, chi cho an sinh xã hội…" - đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.