Hai phương án tính tuổi nghỉ hưu
Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, đưa ra hai phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, ở phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường thì cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Trong khi đó ở phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường thì cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Sẽ cân nhắc thận trọng nhiều yếu tố khi quyết định nâng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động |
Dự thảo luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Và quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Đặc biệt, ở cả hai phương án đều có lộ trình thực hiện chậm. Theo đó, phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 (sau 8 năm kể từ năm 2021) và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 15 năm kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn với tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 kể từ năm 2021.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đề xuất Quốc hội lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cân nhắc thận trọng nhiều yếu tố
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau khi trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi hưu phải tính đến nhiều yếu tố, từ tăng trưởng, việc làm, đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm xã hội trong lâu dài,… đến vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới...
Bộ trưởng cũng cho biết, "mục tiêu của điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có lộ trình dài nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt tiến tới thích ứng được với già hóa dân số vào 2035" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định và thông tin thêm, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng thực chất thời điểm dân số vàng bắt đầu chuyển sang già và dân số già vào 2014.
“Độ tuổi lao động hiện nay của người lao động Việt Nam đã được quy định từ 1961, tức là đã hơn 60 năm, khi đó bình quân tuổi thọ Việt Nam mới trên 45 tuổi. Đến nay tuổi thọ bình quân là 76,6 tuổi, đặc biệt sống sau tuổi nghỉ hưu của nữ là 79,5 tuổi” – Bộ trưởng thông tin và cho biết thêm, thời gian đóng bảo hiểm của nam và nữ đều thấp trong khi thời gian hưởng lại rất cao. Hơn thế, mức hưởng bảo hiểm xã hội thông thường ở các nước là 30% đến cao nhất là 45%, nhưng Việt Nam hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70% và như vậy, nếu một người bình quân đóng bảo hiểm xã hội 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, còn 9,5 năm còn lại là phải lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do vậy, riêng việc đảm bảo cân bằng ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội thì điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, cần hiểu và phân biệt rõ tuổi nghề và tuổi hưu, theo đó, tuổi nghỉ hưu là đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội trong khi tuổi nghề thì có nghề làm trong thời gian ngắn có nghề làm trong thời gian dài.
"Tôi rất muốn chúng ta hiểu môt cách đầy đủ về tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này chúng ta không thể không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu đến 2035 không điều chỉnh thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay" - Bộ trưởng nói.