Cần nghiêm khắc xử lý việc TikTok thả nổi thông tin xuyên tạc về lãnh đạo Việt Nam
Điều đáng nguy hại là thời gian gần đây trên các mạng này, đặc biệt là /chu-de/tiktok.topic lại xuất hiện một cách tràn lan nhiều tài khoản công khai tung tin sai sự thật, mang tính bôi nhọ về các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Lối thông tin thì không có gì mới, vẫn kiểu như “theo một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội”, “nguồn tin nội bộ cho biết” với những hình ảnh chắp vá, “copy - paste” để tạo hiển thị “y như thật” của những kẻ đang tự cho mình là “người trong cuộc”.
Không chỉ tung tin bôi nhọ lãnh đạo Việt Nam, các tài khoản TikTok này còn xem mình như Gia Cát… Dự khi đưa thông tin ”đồng chí này sắp ngồi vào ghế này”, “nhân vật kia sắp đảm nhận chức vụ nọ”. Cứ y như những tài khoản TikTok này đang thay các cơ quan chức năng Việt Nam để làm công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự.
Bên cạnh các điểm tích cực, mạng xã hội TikTok hiện đang xuất hiện nhiều nội dung tiêu cực. (Ảnh minh hoạ). |
Điều nguy hại không kém nữa là cùng với việc sử dụng một thứ ngôn ngữ “chợ búa” cốt để tạo một ấn tượng mạnh cho các “bản tin nhân sự”, nội dung được các tài khoản “gia cát dự” sử dụng ứng dụng TikTok còn mô tả Việt Nam đang có “cuộc chiến phe cánh, vùng miền”, “phe này lên, phe kia xuống”(!)
Bên cạnh những nội dung mang tính xã hội rất nguy hại như phát ngôn văng mạng, rồi sex jokes (trò đùa tình dục); nhảy múa khoe thân; quảng cáo thuốc kích dục; giả vờ nghiện ma túy; kỳ thị vùng miền,…, việc mạng xã hội TikTok gần như có xu hướng để thả nổi các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng việc để xuất hiện tràn làn các clip gây nhiễu về xã hội Việt Nam là đặc biệt nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm còn có thể khó lường hơn nữa khi các clip này xuất hiện một cách có chủ ý khi Việt Nam bước vào những sinh hoạt chính trị xã hội quan trọng, những ngày kỷ niệm mang tính thiêng liêng của cả đất nước, cả dân tộc.
Phải chăng những tài khoản mạng xã hội TikTok nêu trên đang đi lại vết xe đổ của những thế lực chống đối, phản động từ hải ngoại từng mưu đồ “chuyển lửa về quê hương”, vốn từng mưu đồ khoét sâu mâu thuẫn xã hội hòng thay đổi chế độ ở Việt Nam và đã từng phải nhận những kết cục thảm bại?
“Ném đá” không xong, phải chăng các TikToker nêu trên đang kết những “băng đạn bạc công nghệ” để có thể “hạ gục” dần những bộ phận người theo dõi thiếu bản lĩnh, thiếu định hướng, nhất là những “netizen” tuổi còn trẻ.
Sinh sau đẻ muộn so với nhiều mạng xã hội khác, TikTok đã trở thành một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, số người sử dụng mạng xã hội TikTok cũng tăng nhanh một cách chóng mặt. Với đặc điểm là những video được đăng tải có nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ, TikTok trong một số hoàn cảnh nhất định đã có vai trò như một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng trong phát triển.
Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của đồng xu. Những gì như đã nêu ở trên cho thấy, mạng xã hội này đang dần bộc lộ những tiêu cực, độc hại, và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, TikTok từng nhiều lần buộc phải gỡ bỏ các tài khoản độc hại, quậy phá, thậm chí là có nội dung xuyên tạc và chống phá các hoạt động của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Việc thời gian gần đây liên tục xuất hiện các thông tin, hình ảnh bôi nhọ các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng việc tung thông tin sai lệch một cách có hệ thống không chỉ gây hoang mang dư luận, chia rẽ xã hội, giảm lòng tin, đi ngược lại định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn cho thấy rõ hơn những góc độc hại của mạng xã hội này.
Dưới góc độ công nghệ, khác với các mạng xã hội khác, TikTok cung cấp cho người dùng một chế độ xem tự do và đơn giản hơn, tư duy lý trí của người dùng không còn cần thiết khi các yếu tố kích thích như âm thanh, hình ảnh xuất hiện liên tục. Người dùng chỉ cần truy cập TikTok là có nội dung xem tức thì, mà không cần suy nghĩ lựa chọn. Nếu người dùng không thích nội dung đang phát, phần tiếp theo video đã sẵn sàng để xuất hiện. Nhiều người cho rằng, khác với các đàn anh mạng xã hội khác khi người dùng phải tự đi tìm thì có vẻ như TikTok lại tự tìm đến với người dùng.
Bản thân TikTok cũng đã từng xây dựng điều được gọi là tiêu chuẩn cộng đồng. Song rõ ràng là những nội dung độc hại thậm chí là nguy hiểm như đã nêu trên cho thấy sự thả lỏng (mà rất có thể là được hoạt động theo một kịch bản có chủ ý) trong việc quản lý cái gọi là tiêu chuẩn cộng đồng này.
Trở lại câu chuyện liên quan đến TikTok được đề cập ở trên, thực tế đã cho thấy cần có những động thái xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật Việt Nam những vi phạm của mạng xã hội này. Cơ quan chức năng cũng cần có các hình thức xử lý thích đáng các TikToker tung những nội dung xuyên tạc, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước để không cho phép các thông tin độc hại, sai sự thật có không gian để tồn tại, để tiếp cận được với người dùng Việt Nam. Các đoàn thể, tổ chức xã hội cần có các chương trình nâng cao hiểu biết, văn hoá vào mạng xã hội, tạo dựng những “bộ lọc” cần thiết cho các đối tượng thành viên của mình, không để các thành viên của mình, đặc biệt là giới trẻ trở thành nạn nhân của các nội dung thông tin độc hại, nguy hiểm.
Công nghệ càng phát triển thì đi đôi với tính tích cực của mạng xã hội, mức độ độc hại cũng sẽ tăng lên, đặt ra nhiều thách thức cho việc quản lý mạng xã hội. Nhưng “vỏ quýt dày” ắt rồi sẽ có “móng tay nhọn”. Người dùng mạng xã hội có quyền được tiếp cận những nội dung số lành mạnh, đúng pháp luật và những động thái đi ngược lại quyền này cần phải được loại bỏ bằng những hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ tính răn đe cần thiết.