Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị làm rõ 3 nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng Cảnh sát cơ động; làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong công an nhân dân, để làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động |
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - đoàn Hưng Yên nhận định, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ phạm vi thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát cơ động nhằm tránh chồng chéo với các lực lượng khác. Ví dụ, dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang và tuần tra, khảo sát, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Song, chưa rõ nhiệm vụ này có chồng lấn với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam của Cục Cảnh sát biển Việt Nam hay nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ Quốc phòng hay không?” - đại biểu đoàn Hưng Yên đặt câu hỏi và đề nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi thực hiện nhiệm vụ và nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động trong tương quan với các lực lượng khác.
Thêm một nội dung đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai quan tâm đó là dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, cần làm rõ thẩm quyền của Cảnh sát cơ động trong huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp cấp bách cũng như trình tự, thủ tục huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp này để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan.
Phát biểu từ điểm cầu Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng cho hay, lực lượng Cảnh sát cơ động trước hết phải tuân thủ Luật Công an nhân dân với tư cách là một bộ phận thành phần bên trong lực lượng Công an nhân dân. Do đó, cần làm rõ “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác của Công an nhân dân và chỉ hướng đến vấn đề có tính đặc thù, không quy định lại trùng lặp các quy định pháp luật đã quy định trong lực lượng Công an nhân dân.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, việc xây dựng nội dung Luật phải thống nhất, phù hợp với Luật Công an nhân dân cũng như các bộ luật có liên quan khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. “Ban soạn thảo cần tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, xem xét thấu đáo, để thiết kế lại nội dung điều luật này, bảo đảm yêu cầu, làm nổi bật tính đặc thù riêng biệt của Cảnh sát cơ động, bảo đảm không xung đột, mâu thuẫn, trùng lặp với các lực lượng vũ trang khác được pháp luật quy định” - đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu.
Thảo luận từ điểm cầu Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cơ bản nhất trí với tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động của Chính phủ, tuy nhiên, trong điều khoản Luật Cảnh sát cơ động còn nhiều nội dung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân nên bị trùng lặp và chồng chéo. Do đó, đề nghị ban soạn thảo rà soát lại, để bỏ bớt những phần trùng lặp trong dự thảo luật và tập trung sâu vào những quy định đặc thù với Cảnh sát cơ động
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có quy định những chế độ chính sách cho Cảnh sát cơ động tại Điều 23 nhưng chưa rõ ràng về chính sách đặc thù, còn chung chung giống như các lực lượng công an nhân dân. Đồng thời, chưa thấy chế độ ưu tiên thực sự khác biệt như các lực lượng khác trong việc xây dựng Luật về Cảnh sát cơ động về con người, tổ chức và cơ sở vật chất, do đó cần bổ sung làm rõ nội dung này.
Hơn nữa, trong dự thảo Luật nhiều lần sử dụng từ “cấp bách” hay từ “tình huống cấp bách”, “trường hợp cấp bách”. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung phần giải thích từ ngữ, làm rõ nội hàm, ngữ nghĩa của từ “cấp bách”, trong trường hợp nào và tình huống nào là cấp bách.
“Bởi những quyền hạn của Cảnh sát cơ động hay việc huy động người, phương tiện của Cảnh sát cơ động hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan đến quyền con người, quyền tài sản. Cho nên, chúng ta phải quy định rõ trường hợp nào được coi là cấp bách, để tránh việc lạm dụng không cần thiết” - đại biểu đoàn Hải Dương nhấn mạnh.