Doanh nghiệp dự báo về thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam cuối năm 2024 TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024 |
Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Những quy định có tính cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2020 như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp tự chủ về con dấu; có nhiều người đại diện theo pháp luật; góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản… đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, tổ chức hoạt động kinh doanh, thể hiện rất rõ tư tưởng về quyền tự do kinh doanh.
Những quy định có tính cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2020 đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: ST |
Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình áp dụng một số quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, cần được xem xét sửa đổi. Cụ thể, liên quan đến quyền xác lập giao dịch dân sự của người đại diện theo pháp luật, VCCI cho rằng: Khoản 1, 2 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền; điều lệ của pháp nhân; nội dung ủy quyền; quy định khác của pháp luật.
Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp quy định “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự, người đại diện theo pháp luật có quyền “xác lập” các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Tuy nhiên, Điều 12 Luật Doanh nghiệp lại quy định người đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp mà không quy định người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập giao dịch. Điều này là chưa phù hợp với quy định với Bộ luật Dân sự 2015.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tương thích với quy định về người đại diện tại Bộ luật Dân sự 2015.
Liên quan đến định giá tài sản góp vốn, Khoản 2, 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, nếu định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng chênh lệch giữa giá trị định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Trong quá trình hoạt động nếu định giá cao hơn giá trị thực tế thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
VCCI cho rằng, Luật Doanh nghiệp chỉ hướng dẫn việc bù đắp giá trị tài sản còn thiếu so với giá trị tài sản được định giá và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc định giá tài sản góp vốn mà chưa quy định về tỉ lệ phần vốn góp của từng thành viên sau khi bù đắp phần chênh lệch. Vì tỉ lệ phần vốn góp của từng thành viên là cơ sở để quyết định việc chia lợi nhuận, tỉ lệ phiếu biểu quyết và trách nhiệm tài sản về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty. Theo đó, VCCI đề nghị cần quy định rõ về tỷ lệ phần vốn góp của từng thành viên sau khi bù đắp phần chênh lệch.