Grab thu phụ phí nắng nóng: Bộ Công Thương sẽ vào cuộc |
Công ty Công nghệ Grab lại “đẻ” ra cái gọi là phụ thu “phí nắng nóng” để tăng giá cước cho các dịch vụ grab bike trong thời buổi bão giá, nhà nhà đều thắt lưng buộc bụng, Chính phủ cũng tìm mọi cách để hạ nhiệt thị trường, chống lạm phát, thì động thái này của Grab đã phải nhận nhiều phản ứng từ dư luận, cả phía khách hàng cũng như chính đối tác là các lái xe.
Liệu Grab thu phí nắng nóng có đúng quy định, quyền lợi của khách hàng có đang bị xâm phạm? Việc “ăn chia” khoản phí này với các tài xế có thỏa đáng? Đó đang là những vấn đề mà nhiều người đặt ra. Từ đây, câu chuyện quản lý nhà nước về giá, phí đối với các doanh nghiệp cũng được các chuyên gia một lần nữa lên tiếng. PV Báo CAND đã có những trao đổi cụ thể với Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long về vấn đề này.
PV: Thưa ông, nhiều khách hàng từ chỗ bất ngờ vì Grab tăng “phí nắng nóng”, đã chuyển sang bất bình vì cách thu phí này. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
PGS.TS Ngô Trí Long |
PGS.TS Ngô Trí Long: Cá nhân tôi thì không ngạc nhiên vì trước đó, Grab đã đưa ra nhiều loại phí như phí tắc đường kẹt xe, cuộc xe đêm khuya, phí cuộc xe dịp lễ tết, phí chờ đợi, phí khi mưa lớn… Lần này, với lý do đưa ra là giá xăng dầu - đầu vào tăng quá cao, Grab muốn tăng giá nhưng nếu bảo tăng giá thì sẽ khó chấp nhận, khách hàng sẽ quay lưng nên “lách” bằng cách tăng phí. Nhưng “phí nắng nóng” khó xác định, vì ngày nắng, ngày mưa, lúc nắng, lúc mưa. Việc tăng phí này sẽ không chính xác, khiến cho khách hàng nghi ngờ.
PV: Như vậy Grab cũng chỉ làm theo tiền lệ, mà tiền lệ đó, thị trường đã mặc nhiên chấp nhận, không có phản ứng?
PGS.TS Ngô Trí Long: Bất kỳ chính sách nào cũng phải theo thông lệ, luật lệ nhất định. Hiện nay, phí và lệ phí luật quy định rõ, phân cấp từ trung ương đến địa phương, hoặc các bộ ngành, và trong từng loại phí một lại có những quy định cụ thể riêng. Ví dụ hiện nay, ngành hàng không đang xin phụ phí vì giá xăng dầu tăng, nhưng được hay không phải do cơ quan chức năng quyết định, chứ đâu phải thích là tăng? Hoạt động vận tải hiện không quy định giá, mà kê khai để Nhà nước xem có hợp lý hay không. Nếu anh kê khai không hợp lý, thì sẽ phải kê khai lại. Trong bối cảnh phân cấp rất rõ, thì phí vận tải do các địa phương quản lý.
Còn về thị trường, khi Grab đưa ra phụ phí, có 3 đối tác trực tiếp tham gia vào: thứ nhất là người tiêu dùng, thứ 2 là lái xe và thứ 3 là phản ứng từ cơ quan chức năng. Về phía cơ quan chức năng, hiện mới có Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu báo cáo và Hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng, yêu cầu giải trình hạn cuối là ngày 18/7. Cho đến giờ, Grab đang xin lùi thời hạn báo cáo.
Đối tác 2 là tài xế cũng phản đối do từ trước đến nay, thỏa thuận ăn chia giá 2 bên chưa thỏa đáng. Quan trọng không phải là phí, mà là cách chiết khấu hợp lý.
Đối tác 3 là người tiêu dùng thì đa số là phản đối. Thi thoảng có một vài người thông cảm với sự vất vả của các tài xế nên chấp nhận, nhưng đưa ra “phí nắng nóng” là rất trừu tượng. Xác định ngày nào nóng, ngày nào không? Theo tôi, nên căn cứ áp vào luật mà làm. Hiện nay, trên công luận nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo dõi, tôi thấy các ý kiến phản đối nhiều hơn đồng tình, nên các cơ quan chức năng phải vào cuộc, phân định rõ, doanh nghiệp không thể tùy tiện muốn làm thế nào thì làm.
PV: Thực sự mỗi cuốc xe tăng thêm 3.000-5.000 đồng thì không quá lớn, nhưng có hàng vạn đơn hàng mỗi ngày, con số thu sẽ không hề nhỏ...
PGS.TS Ngô Trí Long: Trong thời điểm khó khăn hiện nay, Grab thu như thế này là phí chồng phí, giá chồng giá, dân quá khổ rồi mà Grab lại tận thu. Chưa kể, những ngành nghề khác như công nhân vệ sinh môi trường, cảnh sát giao thông cũng phải oằn mình trong nắng nóng, không lẽ họ cũng đòi tăng phí? Trong bối cảnh cả xã hội gồng mình trong cơn bão giá, anh phải biết chia sẻ - đây là trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp. Đằng này anh lại lợi dụng lợi thế chiếm lĩnh thị trường để tăng giá bất hợp lý, mà theo tôi được biết, người lao động cũng không được hưởng hết, mà phải “ăn chia” với Grab. Theo tôi là bất hợp lý, nên đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem xét có hợp lý hay không, nếu không thì dẹp ngay, mà không chỉ dẹp, cần phải có chế tài cụ thể, có cảnh báo để răn đe, chứ không để thích tăng thì tăng tùy tiện thế này.
PV: Liên quan đến công tác quản lý phí và lệ phí, nguyên tắc doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định. Nếu đưa các loại phí phải thông báo đến người tiêu dùng, để họ có quyền lựa chọn có tham gia hay không. Vậy trong trường hợp này, Grab đã tuân thủ đúng quy định chưa, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Như tôi đã nói, Grab không phải chỉ 1 phí này, mà đã thu nhiều phí. Hiện Grab đang chiếm thị phần rất cao sau khi đã thâu tóm Uber vào năm 2018. Trong bối cảnh đó, Nhà nước phải quản lý như thế nào? Nếu anh chiếm thị trường mà làm ăn tùy tiện thì phải có sự nhắc nhở, cảnh báo, chứ đừng để như thế này gây sự không đồng thuận của xã hội.
Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Hai doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 50% trở lên và cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Ba doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 65% trở lên. Bốn doanh nghiệp được coi là vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan nếu có tổng thị phần từ 75% trở lên...
Theo báo cáo từ Công ty Tư vấn chiến lược thị trường toàn cầu ABI, thị phần Grab đã lên tới 74,6% trong năm 2021, với sự lớn mạnh này, Grab phải trân trọng một cơ chế quản lý từ Nhà nước và phải cảm ơn khách hàng Việt Nam đã tin dùng, đằng nay khi nắm thị trường, công ty này lại sinh ra nhiều loại phí kiểu tận thu. Với vị thế chiếm lĩnh, họ đang có hiện tượng “bắt chẹt” tài xế và đang bị các tài xế ca thán về chiết khấu. Khi còn Uber, hoạt động taxi công nghệ có sự cạnh tranh thì không dám làm như vậy. Bởi vậy, cơ quan chức năng mà ở đây là Cục Quản lý cạnh tranh và và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng phải xem xét thị phần chiếm bao nhiêu, căn cứ vào Luật Cạnh tranh để xem họ có chiếm lĩnh thị trường không, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý hợp lý. Một trong những công cụ để kiểm soát những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là có biện pháp định giá, ở đây là áp giá trần.
PV: Thực ra, cũng tại trong cái khó, ló cái khôn… lỏi. Do chi phí xăng dầu chiếm 30-40% chi phí vận tải, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây, hoạt động vận tải gặp khó khăn chung không chỉ riêng hãng Grab. Tăng cước vận tải cũng là cách cân đối chi phí và lợi nhuận trong kinh doanh. Grab đã giải thích việc thu phí này nhằm hỗ trợ tài xế. Tuy nhiên các tài xế phản ánh là Grab “ăn chia”, chứ không phải tài xế được hưởng toàn bộ. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Về tỷ lệ, tôi chưa hiểu là phân chia như thế nào, nếu theo phản ánh của tài xế thì Grab ăn chia 27%, tức là Grab cũng chiết khấu 1 phần “phí nắng nóng". Theo tôi đã là “phí nắng nóng” thì phải dành cho những người lao động đang chịu nắng trực tiếp - như thế mới là nhân văn, chứ anh tranh thủ tận thu, lạm dụng thì không hợp lý. Với góc độ người lao động, tôi rất đồng cảm vì chịu đựng nắng nóng là cánh tài xế, chứ không phải ủng hộ những người ngồi phòng lạnh. Chưa kể hiện nay chiết khấu giữa tài xế và Grab cũng đang có sự chưa đồng thuận.
PV: Trong khi bị rất nhiều người tiêu dùng và kể cả tài xế phản đối, nhưng dường như Grab vẫn “mũ ni che tai”, không đối thoại với truyền thông, hoãn giải trình với cơ quan chức năng. Nếu đề xuất một giải pháp, thì giải pháp của ông là gì, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Vậy thì chúng ta phải vào cuộc quyết liệt và đồng bộ. Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này phải tham gia vào cuộc. Muốn tham gia, phải hiểu được hoạt động của Grab, đối chiếu với luật pháp Việt Nam, phối hợp với các chuyên gia, làm việc với cả bên Grab để kiến nghị lên cơ quan chức năng cách quản lý. Còn góc độ người tiêu dùng, khi thấy bất hợp lý chỉ còn cách dùng quyền của mình là quay lưng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phản ánh ý kiến bất đồng, trên cơ sở tạo sự đồng thuận xã hội. Với doanh nghiệp, nếu xã hội có sự đồng thuận trong việc quay lưng, thì doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ phá sản.
Còn đối với tài xế, phải có chính kiến. Nếu anh thấy thu phí nắng nóng hợp lý, anh phải đấu tranh để xem số tiền thực hưởng của mình là bao nhiêu, hay lại chia cho “phòng máy lạnh”? Anh phải có thái độ quyết liệt, tạo sự đồng thuận, tạo sự hài hòa lợi ích, để làm sao Nhà nước cũng có lợi là thu được thuế, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người lao động thu nhập tốt hơn và người tiêu dùng không bị xâm hại quyền lợi.
PV: Từ câu chuyện Grab thu phí nắng nóng, đặt ra hiện tượng lạm phát thu phí, nếu không siết chặt công tác quản lý, thưa ông?
PGS.TS Ngô Trí Long: Lạm phát là phát sinh những vấn đề quá mức. Việc Grab thu phí, cơ quan chức năng rất cần phải kiểm tra xem có đúng không, tránh làm sao tùy tiện, gây ra thừa, không cần thiết, gây nhiễu loạn, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhất là trong thời kỳ bão giá, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây cho mặt bằng giá, lạm phát tăng cao.
PV: Vậy ở góc độ Nhà nước, cần phải có những lưu ý gì để ngăn các dịch vụ khác thu phí không đúng quy định?
PGS.TS Ngô Trí Long: Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải đã quy định rõ. Cứ căn cứ vào quy định xem có thực thi đúng hay không? Chúng ta không phải là thiếu luật, nên các cơ quan chức năng cứ chiếu luật vào mà làm. Anh nào có trách nhiệm mà không thực thi thì phải có chế tài xử phạt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!