Cần khuyến khích sử dụng phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng từ bã thải gyps
Chất lượng sản phẩm đã được kiểm chứng:
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước không có nguồn thạch cao tự nhiên, trong khi nhu cầu thạch cao trong nước lại rất lớn. Chỉ tính riêng khu vực phía Bắc thì sản lượng xi măng đã lên tới 30 triệu tấn/năm. Lượng thạch cao dùng làm phụ gia là 3-5% thì nhu cầu về thạch cao đã lên tới 1,5 triệu tấn/năm, hiện đang phải nhập khẩu với giá hơn 600.000 đồng/tấn.
Công ty CP Thạch cao Đình Vũ được thành lập năm 2010, mục tiêu cốt lõi là xử lý chất thải phosphogypsum (PG) của Nhà máy phân bón hóa chất DAP - Đình Vũ (Hải Phòng) để sản xuất ra thạch cao phospho dùng cho sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu. Nhà máy chế biến bã thạch cao PG làm phụ gia sản xuất xi măng, của Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ đã được xây dựng lắp đặt xong từ quý I/2017, đã đưa nhà máy hoạt động sản xuất với dây chuyền công nghệ tự động hóa cao với công suất thiết kế là 750.000 tấn/năm dạng vê viên và 1,0 triệu tấn/năm dạng bột với tổng giá trị đầu tư là 220 tỷ đồng.
Ngày 27/4/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định 936/QĐ- BKHCN công bố tiêu TCVN 11833:2017 thạch cao nhân tạo dùng để sản xuất xi măng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà máy sản xuất xi măng trong nước yên tâm sử dụng, từng bước thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài.
Những năm qua, nhà máy xử lý và chế biến bã thải thạch cao và các sản phẩm sản xuất từ thạch cao của Đình Vũ luôn được hiệu chỉnh, hoàn thiện để đạt được yêu cầu của Bộ KHCN. Sản phẩm thạch cao phospho của Thạch cao Đình Vũ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tự động hóa, đạt chất lượng tương đương với thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài, đã được kiểm chứng tại các nhà máy xi măng: Nghi Sơn, Chinfon, Viện Vật liệu xây dựng... Giá thành sản phẩm thấp hơn so với giá thạch cao nhập khẩu (từ 30 - 35%). Hiện sản phẩm đã được cung cấp cho một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bút Sơn, Tam Điệp. Kết quả, chất lượng xi măng tại các đơn vị này đều đạt yêu cầu, được thị trường chấp nhận.
Cần sự hỗ trợ
Việc sản xuất ra thạch cao phospho dùng cho sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng từ bã thải gyps được đánh giá là vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm này không dễ. Do đó, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ đã đề xuất giảm thuế VAT đối với sản phẩm thạch cao nhân tạo (sản phẩm tái chế từ chất thải công nghiệp) hiện nay từ 10% xuống 0%, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng sản phẩm tái chế.
Bên cạnh đó, công ty cũng đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị với các nhà máy xi măng trong nước, đặc biệt là Tổng Vicem ưu tiên sử dụng sản phẩm thạch cao nhân tạo sản xuất trong nước, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý bã thải gyps trong thời gian sớm nhất. Đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty DAP Đình Vũ hỗ trợ công ty giai đoạn đầu tiền xử lý bã thải phosphogypsum theo đúng Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Các Bộ, ngành cũng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hiện thực hóa Quyết định số 452/QĐ-TTg và gần đây nhất là Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý tro xỉ, thạch cao. Sớm đưa ra cơ chế khuyến khích ưu đãi cho các đơn vị xử lý chất thải và đơn vị sử dụng sản phẩm sau xử lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường, cũng như tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Công ty cũng đồng thời đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty DAP- Vinachem cấp bổ sung cho công ty thuê thêm 3ha đất bên cạnh của nhà máy để xây dựng mở rộng kho chứa sản phẩm, năng cao năng lực xử lý của nhà máy vì diện tích hiện tại là quá hạn hẹp đối với một nhà máy xử lý công xuất gần 1 triệu tấn sản phẩm. Hiện nay diện tích đất để sử dụng bãi chứa bã gyps khoảng 42ha, nếu xử lý hết lượng bã thải này thì thành phố sẽ có 36ha để sử dụng vào mục đích khác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực.