Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp bách giải bài toán đầu tư hệ thống logistics TP. Hồ Chí Minh: Thay đổi hệ thống logistics |
Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” tổ chức ngày 24/6. Hội thảo nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt nông sản chiếm rất cao từ 25-30%, trong đó có vấn đề thiếu hụt kho vận để đóng gói. “Chi phí logistics đối với nông sản của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực. Tùy theo mặt hàng, logistics chiếm từ 12-38% giá thành sản phẩm. Do vậy, cần phải có hệ thống logistics hoàn chỉnh cho nông sản trong phạm vi cả nước. Cái này không làm giống hệ thống logistics của ngành giao thông hay ngành thương mại, mà phải có tính đặc thù của nông sản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo |
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, quan điểm của đề án này nhằm phát triển hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất kinh doanh nông sản.
Từ đó giúp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Hiện đại hóa chuỗi cung ứng, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu và nâng cao thu nhập cho người sản xuất kinh doanh nông sản.
“Phát triển hoàn thiện hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất và kinh doanh nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả bền vững, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Thắng cho biết mục tiêu chung của đề án.
Phát biểu góp ý tại hội thảo, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề logistics liên quan rất nhiều đến quy hoạch và quy hoạch logistic liên quan đến quy hoạch của nhiều ngành khác. Do đó, theo ông Hiệp, công tác quy hoạch logistics cần được dự báo sớm để đưa vào quy hoạch chung.
Cũng theo ông Hiệp, hiện TP. Hồ Chí Minh có nhiều chợ đầu mối lớn, tại đây các thương lái, các đầu mối, mạng lưới đã có sẵn. Do đó, có thể tận dụng những khu chợ này để phát triển thành trung tâm logistics.
Dự thảo đề án Đề án “Phát triển hệ thống Logictics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 đặt ra nhiệm vụ rà soát lại hệ thống logistics tại các vùng sản xuất trọng điểm, các địa điểm đang dự kiến xây dựng các trung tâm logistics. Đồng thời thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống logistics nói chung và hệ thống logistics nông nghiệp nói riêng. Hệ thống logistic nông nghiệp cần gắn với các vùng sản xuất trọng điểm, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nguyên liệu gỗ và hệ thống các trung tâm logistics trên cả nước. Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” đã xây dựng hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp 3 cấp, gồm: Trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng mang tính động lực, quy mô lớn kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung hỗ trợ sản xuất hiệu quả, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, kết nối với trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu. Trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh có cửa khẩu và các cảng xuất khẩu nông sản. |