Theo báo cáo của PanNature về tiếp cận đa bên trong giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho thấy, từ năm 2014, nhiều cá nhân, tổ chức đã thực hiện các nghiên cứu độc lập cũng như phối hợp cùng Quỹ bảo vệ rừng và phát triển rừng Việt Nam và các tỉnh nhằm thiết kế, thử nghiệm hệ thống giám sát- đánh giá tuân thủ, thực hiện và tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tiến trình này tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều thách thức: Cùng với các sáng kiến khác như giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) hay thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), chính sách chi trả DVMTR ra đời tạo nên một thế hệ tiếp cận chính sách mới trong quản trị lâm nghiệp của Việt Nam. Các số liệu phục vụ cho việc giám sát, đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay vẫn còn thiếu đồng bộ. Hệ thống chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa lồng ghép được vào hệ thống giám sát môi trường và giám sát rừng khác hiện có. Một số Quỹ tỉnh hiện đang sử dụng số liệu diễn biến rừng từ kiểm lâm nhưng số liệu này chưa phải là số liệu giám sát thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho biết: Việc chi trả DVMTR về bản chất là mối quan hệ chi trả dịch vụ giữa người sử dụng dịch vụ và người có rừng hoặc tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thông qua một tổ chức mà họ ủy thác là Quỹ bảo vệ Phát triển rừng Việt Nam và các quỹ cấp tỉnh.
Theo những báo cáo gần đây, việc chi trả DVMTR dù thấp nhưng cũng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân có rừng hay bảo vệ rừng và cũng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng chung.
“Tuy nhiên, để bảo vệ được rừng, chúng ta không chỉ dựa vào một chính sách chi trả DVMTR mà chúng ta cần nhiều hơn các cơ chế như thế này, cần mở rộng nhiều hơn các loại dịch vụ, mức chi trả cũng cần tính toán lại để đảm bảo tương xứng với giá trị và nỗ lực bảo vệ rừng đặt ra. Đồng thời, cần tạo thêm nhiều cơ hội để người chi trả, người nhận chi trả và các bên liên quan có nhiều trực tiếp trao đổi, thảo luận để tiếp tục cải thiện chính sách này tốt hơn”, ông Hứa Đức Nhị nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam, việc giám sát và đánh giá chi trả DVMTR là điều hết sức cần thiết và cấp bách khi hoạt động chi trả DVMTR ngày càng được thực hiện với nhiều loại hình dịch vụ ở mức độ sâu, rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Chia sẻ về tình hình thực hiện kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR tại Việt Nam, ông Nguyễn Chiến Cường, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Hệ thống Quỹ từ Trung ương đến địa phương hiện đang áp dụng cơ chế kiểm tra giám sát, đặc biệt là các nội dung về thu, chi tiền DVMTR, ký kết hợp đồng, quản lý bảo vệ rừng, chi trả qua tài khoản và trồng rừng thay thế.
Từ thực tiễn trên, nhiều đại biểu cho rằng mục tiêu của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng là để cải thiện cuộc sống cho người dân có rừng hay bảo vệ rừng và góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng nói chung. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, không chỉ dựa vào một chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà cần nhiều hơn các cơ chế như: Cần mở rộng nhiều hơn các loại dịch vụ, mức chi trả cũng cần tính toán lại để bảo đảm tương xứng với giá trị và nỗ lực bảo vệ rừng đặt ra.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kịp thời xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thống nhất trên cả nước. Đồng thời có lộ trình xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá gồm: Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm để tổng kết, bổ sung các nội dung giám sát và đánh giá trong Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; Quỹ Trung tương phối hợp với các quỹ tỉnh và các chương trình, dự án tiếp tục nghiên cứu, thí điểm, tổng kết, tham mưu Tổng cục lâm nghiệp xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhìn chung, về dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đều thống nhất có 4 loại phương pháp đánh giá được quan tâm nhiều nhất là giám sát đánh giá giữa bên cung ứng DVMTR và bên sử dụng DVMTR; giám sát nội bộ, giám sát theo cấp quản lý, giám sát theo chương trình dự án.