Cần giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp
Tin hoạt động 12/02/2020 18:05
Chống dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, với các biện pháp mạnh và hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân |
Tuy nhiên, “Nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề” – Thủ tướng chỉ rõ và nhấn mạnh đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.
Do đó, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
“Vì vậy, chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân” – Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ và đề nghị các thành viên tham dự cuộc họp tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Thủ tướng cũng đặt vấn đề về kích cầu, thúc đẩy giải ngân, chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác nhằm giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), dịch bệnh có thể gây thiệt hại lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỉ USD. Do đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019, trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong và Việt Nam.
Các ngành được đánh giá là ảnh hưởng gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp điện - điện tử, da giày, dệt may. Cùng đó, hoạt động đầu tư cũng sẽ bị tác động khi nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.
Trong khi đó về du lịch, theo Bộ KH&ĐT, số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch và nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD; nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỉ USD, kéo theo là các ngành vận tải, các ngành dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng.
Như vậy theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trường hợp khống chế được dịch trong quý I thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm %; trường hợp dịch được khống chế trong quý II thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm %.
Cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp
Báo cáo chi tiết về các giải pháp Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhằm tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngày 11/2, Bộ Công Thương đã làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam để kêu gọi các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc ủng hộ, chung tay cùng các DN Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu một số chủng loại nông sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Xuất khẩu chính ngạch vẫn có thể xuất khẩu được và đừng vì tiết kiệm vài % thuế VAT ở phía nước bạn mà thực hiện theo hình thức trao đổi cư dân |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường kết nối nội địa, kết nối các chuỗi phân phối với các tỉnh có nhiều nông sản và đến nay, cả 6 hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam đã vào cuộc, trong đó có Saigon Co.op, Vinmart, Big C, MM Mega Market tại Việt Nam…
“Trong cuộc họp với đại diện Sở Công Thương các tỉnh diễn ra ngày hôm qua, đại diện các siêu thị và các Sở Công Thương đã ký kết văn kiện hợp tác tiêu thị nông sản của các địa phương” – Thứ trưởng Khánh nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Logistic Việt Nam đề nghị cân nhắc giảm chi phí logistic, cụ thể là chi phí lưu kho, vận chuyển đối với các mặt hàng nông sản. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội logistic Việt Nam đã có văn bản khuyến nghị các thành viên thực hiện giảm từ 10-20% chi phí logistic đối với mặt hàng nông sản.
Về những giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thưc hiện các giải pháp đã và đang triển khai hiện nay.
“Mặc dù nhận định là sẽ có những tác động lớn đến các chỉ tiêu của Bộ Công Thương trong quý 1 về sản xuất, xuất khẩu, song cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu trong cả năm 2020 mà vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các chỉ tiêu đã đề ra” – Thứ trưởng Khánh nói và nêu một số đề xuất: Thứ nhất, hiện Trung Quốc mới cho phép 9 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Còn khoai lang và sầu riêng hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn đang tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc nên chưa có khả năng xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, đề nghị các địa phương không đưa những sản phẩm này lên khu vực biên giới, trường hợp đã đưa hàng lên thì chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.
“Xuất khẩu chính ngạch vẫn có thể xuất khẩu được và đừng vì tiết kiệm vài % thuế VAT ở phía nước bạn mà thực hiện theo hình thức trao đổi cư dân” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói và phân tích thêm, trong khi đó, các chợ biên giới chưa mở cửa thì sẽ rất khó tiêu thụ.
Cho biết hiện đang tồn hơn 50 nghìn tấn sắn ở Quảng Ninh trong khi mặt hàng sắn hoàn toàn có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch nhưng Hiệp hội sắn lại có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị báo cáo Chính phủ xem xét hỗ trợ lãi suất là không hợp lý, nên “Hôm nay, Bộ Công Thương ban hành văn bản gửi Hiệp hội Sắn đề nghị thực hiện xuất khẩu chính ngạch” – Thứ trưởng Khánh nêu ví dụ điển hình về một mặt hàng nông sản cụ thể.
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện chuyển hướng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên có hai vấn đề khó khăn, thứ nhất, một số chủng loại nông sản, dù chỉ là số ít, nhưng được sản xuất không theo tiêu chuẩn nào (không đăng ký vùng trồng, không theo VietGap hay GlobalGap) nên không truy xuất được nguồn gốc, không có lịch sử sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… nên sẽ rất khó xuất khẩu vào các thị trường khác.
Đặc biệt có những thị trường, nếu muốn bán hàng vào thì Bộ NN&PTNT phải đàm phán để họ mở cửa, nhưng quá trình này chưa hoàn thành nên các Tham tán thương mại tại các thị trường trên dù có tìm được DN sẵn sàng mua hàng thì cũng sẽ rất khó đưa hàng vào thị trường.
Theo Thứ trưởng Khánh: "Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh quá trình đàm phán”.