Qua thực tiễn công tác giám sát, đề nghị Đại biểu đánh giá kết quả thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo trong thời gian vừa qua?
Đại biểu Phương Thị Thanh: Để hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đưa điện về nông thôn giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội đồng đều, bền vững giữa các vùng, miền trong cả nước, ngày 8/11/ 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020. Và sau 5 năm thực hiện, bằng Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018, Chính phủ đã nâng cấp chương trình thành Chương trình mục tiêu Quốc gia cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội thông qua công tác giám sát tại nhiều địa phương, tôi khẳng định rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn và như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời chất vấn của tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khác về vấn đề này đã cho biết, kết quả đạt được của Chương trình đã góp phần giúp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo thực sự “thay da đổi thịt”. Dòng điện không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững thông qua việc điện khí hoá sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra mà còn giúp thay đổi sâu sắc đời sống văn hoá, tinh thần, giúp người dân có cơ hội tiếp cận thông tin mới, thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất… đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới.
Tôi được biết, đến hết năm 2018, Chương trình đã hoàn thành cấp điện đến 17 xã đạt 100% kế hoạch. Số hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia khoảng 73.500 hộ dân và số thôn, bản được cấp điện khoảng 1.055 thôn, bản. Đây là con số thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và ngành điện.
Đại biểu Phương Thị Thanh trả lời phỏng vấn Báo Công Thương bên hành lang Quốc hội |
Thưa Đại biểu, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn thừa nhận Chương trình chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Đại biểu có thể chỉ ra những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn công tác giám sát của mình?
Đại biểu Phương Thị Thanh: Trong quá trình giám sát, chúng tôi cũng nhận thấy khá nhiều vấn đề tồn tại. Như chúng ta biết, mục tiêu Chương trình đặt ra đến năm 2020 phấn đấu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Cụ thể, 100% số xã trên phạm vi cả nước có điện với khoảng 9.890 thôn, bản số thôn, bản được cấp điện; khoảng trên 1 triệu hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia và 21.000 hộ dân được cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài lưới điện quốc gia. Chương trình cũng đặt mục tiêu tăng cường cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo, các đảo.
Quy mô vốn đầu tư cho các mục tiêu trên là khoảng 30.116 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương khoảng 2.218 tỷ đồng (vốn trong nước) và vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo tính toán nhu cầu vào khoảng 23.379 tỷ đồng. Còn vốn thu xếp từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối ứng) vào khoảng 3.122 tỷ đồng. Vốn do Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN (đối ứng) là khoảng 1.397 tỷ đồng.
Tuy nhiên, như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ rõ, ở thời điểm chúng ta xây dựng Chương trình nói trên, nhất là năm 2018, trần nợ công quốc gia đã gần tới mức giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, khả năng cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho Chương trình gặp khó khăn, trong khi khả năng đối ứng vốn của các địa phương cũng rất hạn chế, nhất là những địa phương miền núi, vùng sâu, xa, những địa phương có xuất phát điểm kinh tế - xã hội rất khó khăn. Điển hình như tỉnh Bắc Kạn, không riêng gì Chương trình này mà nhiều chương trình, dự án khác hầu như đều phải xin Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù hỗ trợ thực hiện.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chương trình đảm bảo tiến độ và đạt được các mục tiêu đề ra, Đại biểu có khuyến nghị gì với Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan?
Đại biểu Phương Thị Thanh: Trước hết, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xem xét phân loại các địa phương, cụm địa phương trên cơ sở điều kiện thực tiễn quy mô kinh tế và nguồn thu ngân sách của mỗi nơi để đưa ra những tiêu chí phân bổ ngân sách một cách phù hợp chứ không nên đưa ra yêu cầu % vốn đối ứng cố định và áp dụng chung như hiện. Đặc biệt, với những địa phương quá khó khăn, Chính phủ có thể xem xét đến phương án không yêu cầu phải đối ứng vốn thực hiện Chương trình.
Cùng đó, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ ra, sau khi Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn nợ công quốc gia và giảm trần nợ công xuống, hiện nay chúng ta đã có điều kiện thuận lợi để cân đối vốn cho Chương trình. Tôi cũng được biết Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu để thu xếp nguồn tín dụng ưu đãi với quy mô hơn 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tôi, ngoài nguồn vốn này, chúng ta cũng cần có những giải pháp để huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa cấp điện bằng năng lượng tái tạo để thực hiện Chương trình.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn nói trên để thực hiện Chương trình. Đồng thời, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, sau khi có nguồn vốn, cần thực hiện phân bổ ngay theo hướng phân cấp cụ thể và giao chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cho các đơn vị, như: EVN, các Tổng Công ty điện lực hay Điện lực địa phương chịu trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức triển khai bởi họ có chuyên môn, nắm chắc điều kiện thực tiễn tại từng địa phương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và có những khuyến nghị từ kết quả công tác giám sát thực hiện Chương trình quan trọng này.
Trân trọng cảm ơn Đại biểu!