Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) vừa phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ghi nhãn các sản phẩm có chứa amiăng trắng tại Việt Nam”. Mục đích của hội thảo nhằm bảo đảm quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ của người tiêu dùng về sản phẩm có chứa amiăng trắng tại Việt Nam; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và các cơ quan quản lý trong việc chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam đối với việc ghi nhãn các sản phẩm có chứa amiăng trắng tại Việt Nam.
Nội dung của các báo cáo khoa học, tham luận và chia sẻ tại hội thảo đã cho thấy thực trạng sử dụng tấm lợp fibro xi măng (có chứa amiăng trắng) tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; tính độc hại, khả năng bị phơi nhiễm và ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe của con người. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và sức khỏe của mình, người tiêu dùng cần biết về ghi nhãn các sản phẩm có chứa amiăng trắng tại Việt Nam.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng IRECO - cho biết: Amiăng là loại khoáng chất silicat dạng sợi, có tính năng như độ bền cơ học, độ bền hóa chất, chịu nhiệt, chịu ma sát, cách điện, cách âm tốt… nên đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước, trong nhiều sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibro xi măng. Trong tự nhiên, amiăng được chia thành hai nhóm chính: Nhóm amiăng nâu và amiăng xanh - nhóm này quá độc hại nên đã bị toàn thế giới lên án và cấm sử dụng từ năm 1980; nhóm amiăng trắng - nhóm này cũng độc hại và đến nay đã có rất nhiều nước cấm sử dụng.
Hơn 20 năm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã tập trung nhiều nhà khoa học nghiên cứu và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế để đi đến kết luận: Amiăng, kể cả amiăng trắng là chất gây ung thư, nhất là ung thư phổi, thanh quản, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng. “Vì vậy, phải ngừng sử dụng tất cả các dạng amiăng, đó là cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các căn bệnh liên quan đến amiăng” - PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, qua các khuyến nghị của quốc tế và tổ chức trong nước về tác hại của amiăng trắng, ngày 1/8/2001, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 115/QĐ/TTg về kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp và từ năm năm 2004 không được sử dụng vật liệu amiăng trong sản xuất tấm lợp.
Ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó giao nhiệm vụ Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp có chứa amiăng trắng từ năm 2023”.
Sự thật là ở Canada, Brazil - hai nước sản xuất nhiều amiăng đã tuyên bố dừng sử dụng amiăng từ năm 2018, trong khi đó, Việt Nam đã có quy định, nhưng lại chưa thực hiện tốt. “Do đó, thời gian tới, cần sớm dán nhãn cảnh báo sản phẩm nguy hại cho tấm lợp fibro-xi măng chứa amiăng và dừng sử dụng các sản phẩm từ amiăng” - PGS. TS Bùi Thị An đề xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chỉ ra thực trạng: Tại Việt Nam, sản phẩm có chứa amiăng, cụ thể là tấm lợp amiăng xi măng (AC) chưa có nhãn theo quy định (Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa trước đây và Nghị định 43/2017/NĐ-CP hiện nay về nhãn hàng hóa). Bên cạnh đó, các tấm lợp AC không ghi cảnh báo, hướng dẫn sử dụng cũng như hướng dẫn xử lý khi đã hết thời gian sử dụng, trở thành phế thải.
Do đó, để bảo vệ quyền cơ bản của người tiêu dùng theo luật định như quyền được thông tin, quyền được an toàn, thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cần thực hiện nghiêm Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn bán hàng, hướng dẫn sử dụng.
Đồng thời, các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý các vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định. Các đơn vị sản xuất sử dụng các loại sợi thay thế sợi amiăng trong sản xuất tấm lợp; phấn đấu hạ giá thành, trên cơ sở đó hạ giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Ngoài ra, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về phòng tránh phơi nhiễm amiăng trong sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng, cũng như cách xử lý khi đã hết thời gian sử dụng, trở thành phế thải.
GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) - cho rằng: Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu có chứa amiăng cần tích cực chuyển đổi dần công nghệ sản xuất không chứa amiăng; giảm dần việc sản xuất tấm lợp amiăng; chủ động tiếp cận với các cơ quan nghiên cứu dây chuyền sản xuất không amiăng để có kế hoạch vốn và đầu tư chuyển đổi; tích cực tham gia các triển lãm quốc tế và trong nước để tiếp cận với các tiến bộ mới trong sản xuất vật liệu thay thế amiăng; có đề án trình Chính phủ xin trợ cấp về vốn, ưu đãi thuế trong chuyển đổi sản xuất vật liệu thay thế amiăng...