Từ năm 2005, dịch vụ logistics đã có khái niệm cụ thể trong Luật thương mại, mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp bước vào kinh doanh lĩnh vực này.
Chính sách logistics trong nông nghiệp còn hạn chế
Là một quốc gia nông nghiệp, với đóng góp GDP trong chỉ số xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng lớn, nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp ngày càng cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã có cải thiện về chất lượng nông sản, quy hoạch vùng trọng điểm, sản phẩm chủ lực... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nhất là trong sản xuất sạch, tiêu thụ, xuất khẩu... Trong đó vướng mắc là sự yếu kém về logistics.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Phong – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn nêu quan điểm: “Với chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ, tối ưu hóa chi phí vận chuyển, vận tải, bảo quản nhiệt độ đúng quy trình tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản và ngành nông nghiệp Việt Nam có được vị thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường. Từ đó, thương hiệu cùng các giá trị vô hình khác cũng sẽ đến”.
Đến thời điểm hiện tại, chính sách logistics trong nông nghiệp đã được luật pháp điều chỉnh và ban hành tương đối đầy đủ; các chủ trương, quy định chính sách tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics phát triển bền vững. Trong đó, đã quan tâm hơn đến việc hình thành các Trung tâm logistics/ trung tâm đầu mối nông nghiệp và cả trung tâm thu gom nông sản.
Tuy nhiên, về chính sách vẫn còn những hạn chế như: chưa có chiến lược Đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp; Trung tâm logistics, trung tâm đầu mối, trung tâm thu gom vẫn còn thí điểm và nằm các văn bản khác nhau; chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn; chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất kinh doanh nông nghiêp còn thiếu, chưa có những ưu tiên cho các nhà đầu tư vào dịch vụ logistics (quy hoạch, đất, tín dụng, đào tạo)…
Hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại có nhiều lợi thế
Với hạ tầng giao thông vận tải, Việt Nam có hệ thống đường cao tốc, tuyến lộ chính, đường tỉnh và đường huyện với tổng chiều dài hơn 100.000km. Hệ thống đường sắt hơn 3.000km, diện tích nhà ga, kho ga và bãi hàng, ke ga hơn 3.000.000m2.
Hạ tầng đường biển có 44 cảng biển, 245 bến cảng với công suất thiết kế khoảng 500 triệu tấn/năm. Hạ tầng đường thủy nội địa có tổng chiều dài hơn 7.000km, trong đó các tuyến nội bộ ở Nam Bộ phát triển mạnh nhất, hàng năm vận chuyển khoảng 70% hàng hóa toàn vùng.
Hạ tầng hàng không với 21 cảng, tuy nhiên chỉ có 2 cảng Nội Bài và Tân Sơn Nhất có các trung tâm logistics phục vụ xử lý hàng không.
Đặc biệt, năm 2023 đã đưa vào khai thác một loạt dự án thành phần đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hiện toàn quốc có 1.822 km đường bộ cao tốc (từ đầu nhiệm kỳ đã hoàn thành 566 km/3 năm, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây, khoảng 1.163 km).
Bên cạnh đó vẫn đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071 km; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án quan trọng quốc gia: đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm vào Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Về hạ tầng thương mại có nhiều thay đổi tích cực, các hình thức online/ offline/ bán hàng lưu động, trung tâm cung ứng nông sản an toàn, chợ dân sinh, siêu thị, thương mại phát triển... Đặc biệt phải kể đến các khu vực đô thị, trung tâm thương mại lớn đang có sự tăng trưởng mạnh.
Nhờ các yếu tố trên, hạ tầng logistics trong đó hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng, nhất là hệ thống đường đến nông thôn, cầu cảng phát triển kết nối sản xuất với thị trường; hạ tầng kho bãi, trung tâm logistics, cảng cạn ICD được hỗ trợ; hạ tầng thương mại: chợ, chợ đầu mối được nâng cấp hơn.
Kết nối vùng sản xuất với thị trường; nhà cung cấp dịch vụ: ngày càng phát triển; dịch vụ ngày càng hỗ trợ tốt hơn: vận chuyển, bảo quản, lưu kho, phân loại, đóng gói ngày càng đa dạng.
Doanh nghiệp logistics phục vụ nông sản chưa xứng tầm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, trong số 34.249 doanh nghiệp đang hoạt động có 41,4% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ với số lao động dưới 5 người; 53,74% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 50 lao động; 4,12% số doanh nghiệp có quy mô vừa, dưới 300 lao động. Số doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,7%.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) và Trường Đại học GTVT Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp logistics. Phân khúc khách hàng cụ thể mà các doanh nghiệp logistics phục vụ, dẫn đầu là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng quả với 57% số doanh nghiệp logistics trả lời, xếp thứ 2 và 3 là hàng thủy sản và nông sản chế biến với số thống kê 52% và 47%.
Chủ tịch Viện Ứng dụng Công nghệ AI và Thương mại số- ông Nguyễn Thái Bình (bên phải) làm việc với đối tác Hoa Kỳ về tiềm năng xuất khẩu nông sản tại Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. |
Thị trường nông sản Thành phố Hồ Chí Minh là nơi các doanh nghiệp logistics tập trung phục vụ (85% doanh nghiệp tham gia khảo sát), kế đến là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với lần lượt 51,9% và 40,7%. 1/3 phục vụ cho thị trường miền Bắc, con số doanh nghiệp đáp ứng cho thị trường miền Trung ít nhất với khoảng 1/5 số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics cho hàng hóa nông sản ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; chuỗi kho lạnh còn chưa phổ biến.
Theo thống kê, hiện cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông - thủy sản với công suất khoảng 700 nghìn palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định, chủ yếu là xuất khẩu.
Việc hạn chế này cũng dễ hiểu bởi quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng không hề đơn giản. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào hệ thống logistics chuỗi lạnh, chi phí vận tải quốc tế, chi phí chiếu xạ cho từng loại trái cây và sắp tới là việc tiếp cận logistics xanh hướng đến cân bằng phát thải ròng, hạn chế cả về vốn và nhân lực, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy, ở cả chiều mua và bán doanh nghiệp logistics trong nước đang đứng trước nhiều hạn chế về sân chơi. Đây cũng là thực tế của các doanh nghiệp logistics trong nông nghiệp.
Thêm nữa, các doanh nghiệp có xu hướng tăng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics để tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, giảm vốn đầu tư và giảm chi phí, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tăng nhanh tốc độ vận động hàng hóa, tăng khả năng tiếp cận thông tin thị trường.
Phân khúc khách hàng nông sản của doanh nghiệp logistics Việt Nam |
Cần chú ý đến nguồn nhân lực ngành logistics
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp (2021) do Tổng cục Thống kê cung cấp, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Trong đó, nếu xét theo loại hình dịch vụ logistics, tương ứng 37,5% và 31,4% lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ, đường sắt, đường ống và doanh nghiệp dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải. Lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường thuỷ chiếm tỷ trọng thấp nhất là 7,3%.
Hệ thống nhân sự của ngành logistics phần lớn thiếu kiến thức chuyên sâu do không được đào tạo một cách hệ thống; chỉ khoảng dưới 10% được đào tạo đúng ngành, có kiến thức cơ bản nên được xem là khá nhạy bén, sáng tạo và am hiểu thị trường. Đội ngũ nhân viên (văn phòng, hiện trường) phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng chủ yếu từ những ngành/chuyên ngành ngoài hoặc gần với logistics. Hạn chế lớn nhất của đội ngũ nhân lực logistics ở cấp này vẫn là yếu về ngoại ngữ; thiếu cam kết làm việc lâu dài với doanh nghiệp, sự tuân thủ quy định và quy trình kém; thiếu tính đổi mới và tính chuyên nghiệp...
Trước thực trạng đó, để ngành logistics phát triển đồng bộ, tương xứng với tiềm năng, nhất là hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, trong đó có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực logistics phục vụ cho ngành nông nghiệp.