Đó là ý kiến của Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý trung ương - CIEM) tại Hội thảo “Khái niệm DNNN và dự kiến sửa Luật DN” được diễn ra chiều ngày 15/7. Hội thảo nhằm lấy ý kiến cho việc soạn thảo một số nội dung của Luật DN sửa đổi; trong đó, cần làm rõ và tiến tới thống nhất cách định nghĩa DNNN, vấn đề quản lý, tác động của các cách đánh giá đối với nền kinh tế...
Chưa rõ ràng
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN. Một trong nhiều nội dung sửa đổi là khái niệm về DNNN. Theo Nghị quyết số 12-NQ/TW quy định DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Nói rõ hơn về khái niệm DNNN, ông Hoàng Trường Giang - đại diện Ban Kinh tế trung ương - cho rằng, Nghị quyết 12 đưa ra khái niệm DNNN khác so với trước đây. Đây là một trong những điều thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị Trung ương 5.
“Rất nhiều ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các tỉnh, thành phố đều muốn giữ nguyên khái niệm DNNN 100% vốn. Ngay cả Bộ Tài chính cũng đề xuất phương án DN có vốn Nhà nước. Sau hồi thảo luận, Trung ương cũng quyết định DNNN 100% vốn do Nhà nước chi phối” - ông Hoàng Trường Giang chia sẻ thêm.
Báo cáo số 480/BC-CP ngày 12/10/2018 đã thống kê, có 526 DN do Nhà nước nắm 100% vốn, bên cạnh đó có 294 công ty cổ phần có cổ phần Nhà nước do Bộ, UBND quản lý. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/1/2018, cả nước có 1.204 DN 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý; 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi cấp quản lý (bao gồm cả công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Như vậy, trong trường hợp mở rộng tối đa khái niệm DNNN thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần được gọi là DNNN và trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật về DNNN.
Như vậy, chính cách hiểu chưa nhất quán về cách phân biệt, nhận định DNNN đã gây ra sự khó khăn trong quản lý, hình thức kế toán - kiểm toán, quyết định kinh doanh, cách điều hành đối với các DN; thậm chí cản trở hoạt động của DN.
Ông Minh Khoa - Chuyên gia kinh tế - cho rằng, việc thay đổi khái niệm như vậy, vai trò rủi ro của DN có 51% vốn của Nhà nước và công ty mẹ là DNNN nắm giữ 51% cũng rất rủi ro. Điều này dẫn đến rủi ro về quản trị của các công ty mà DNNN theo phương án mới. Thứ 2 là không thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng. Thứ 3 là trình độ mua sắm đấu thầu phức tạp, rườm rà, kéo dài thời gian.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM - giải thích thêm, trước đây Luật DN quy định DNNN là 100% vốn Nhà nước. Nhưng Nghị quyết 12 lại có những định hướng khác, bao gồm cả những DN chiếm phần vốn chi phối. Vì vậy, cần hiểu Nghị quyết 12 với tinh thần là DNNN phân làm 2 loại: 100% và chi phối.
“Đối với mỗi loại DNNN thì sẽ cần có phương thức quản lý, giám sát phù hợp, nhằm mục tiêu của Nghị quyết đề ra về cải cách DNNN. DNNN trên 51% vốn điều lệ phải có phương thức quản lý khác với DNNN 100% để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, nâng cao quản lý, giám sát…” - ông Phan Đức Hiếu nói rõ.
Đánh giá tác động toàn diện
Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN cũng đề xuất về tỷ lệ góp vốn của Nhà nước trong DN để xác định quyền lợi tương ứng. Cụ thể có 4 phương án: Nếu Nhà nước góp trên 65% vốn điều lệ thì sẽ có quyền chi phối tuyệt đối; quyết định tất cả các vấn đề của DN. Nếu góp vốn ở mức trên 50% thì có quyền chi phối chủ động, cũng như quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của DN.
Nếu góp trên 35% vốn điều lệ thì có quyền chi phối “thụ động” và quyền phủ quyết để định hướng DN. Và phương án cuối là chỉ cần có vốn Nhà nước, Nhà nước có quyền trực tiếp/gián tiếp bổ nhiệm các thành viên HĐQT, tổng giám đốc, quyết định điều lệ DN: mức độ chi phối là quyết định những vấn đề lớn của DN không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu.
Tuy nhiên, theo CIEM, việc quyết định chọn lựa phương án nào cần tính tới một số yếu tố, chẳng hạn như tâm lý của nhà đầu tư, không nên để có tình trạng nhà đầu tư tư nhân giữ đa số cổ phiếu nhưng vẫn bị Nhà nước kiểm soát, gây khó khăn, vướng mắc trong quản trị DN. Tác động đến tiến trình cải cách DNNN cũng phải tính tới. Phải thận trọng, nếu không sẽ có một số rất lớn DN có một phần vốn Nhà nước lại trở thành DNNN. Từ đó, phương án hợp lý mà CIEM đề xuất là phương án có trên 50% vốn điều lệ.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết thêm, sắp tới, Ban soạn thảo sẽ có đánh giá tác động toàn diện về khái niệm DNNN, quan trọng là xử lý như thế nào đối với các tác động đó.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - cho rằng, nhiều tác động và có thể sẽ phải làm rõ nhiều khái niệm. Chẳng hạn như vốn Nhà nước, khái niệm cũng cần phải làm rõ; đánh giá tác động có thể có nếu khái niệm DNNN được thay đổi, kể cả đối với các hiệp định tự do thương mại.
Theo TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM - đơn vị soạn thảo nội dung sửa đổi Luật DN cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa các ý tưởng, nội dung tiến bộ vào Luật nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ DN phát triển tối đa, với tinh thần cởi mở và minh bạch. Không nên mở rộng phạm vi quy định đối với DNNN, nhất là đối với trường hợp Nhà nước góp ít vốn.