Chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 |
3 bộ cùng vào cuộc
Thông tin từ Bộ Y tế, đến thời điểm này, có trên 80 triệu liều vắc xin Covid-19 đã về Việt Nam và hiện cả nước đã triển khai tiêm được 61 triệu liều. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là triển khai chiến dịch quy mô lớn như vậy, phải có những cách thức quản lý để mọi người dân đều được tiêm chủng, cũng như biết được tình hình tiêm chủng trên toàn quốc.
Tốc độ tiêm vắc xin quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm chủng cần tập trung giải quyết như: Thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khoẻ điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…
Nguyên nhân của tình trạng được một số địa phương đưa ra là trong quá trình tiêm, nhiều đơn vị tổ chức tiêm chủng cho nhiều đối tượng khác nhau; nhiều nơi không đủ trang thiết bị công nghệ thông tin để nhập thông tin… nên dữ liệu tiêm chủng chưa cập nhật kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Dù tiêm ở nhà máy, hay ở nhà văn hóa, ở điểm cố định hay lưu động vẫn phải có danh sách và xác thực cuối cùng vẫn là trạm y tế xã phường. Những sai sót trong quá trình nhập liệu dữ liệu tiêm chủng thường xảy ra ở khâu nhập lại dữ liệu, do đó trong vòng 30 phút ngồi đợi theo dõi sau tiêm, mỗi người đã tiêm chủng cần theo dõi sát Sổ Sức khoẻ điện tử để kịp thời báo ngay thông tin sai sót nếu có trong dữ liệu tiêm chủng trên Sổ Sức khoẻ điện tử. Vì vậy, mỗi điểm tiêm cần đối chiếu với danh sách người đến tiêm chủng do trạm y tế xã phường cung cấp hoặc do cơ quan, đơn vị gửi đến để rà soát và xác thực ngay thông tin tiêm chủng của người dân.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay phần mềm nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia đã triển khai trên 63 tỉnh, thành để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, đã cấp 12.000 tài khoản cho cán bộ y tế các cấp. Qua gần 4 tháng triển khai, đã thực hiện thông tin khoảng 59 triệu mũi tiêm, chiếm 96% mũi tiêm trên thực tế. Tuy nhiên, trên hệ thống cũng ghi nhận 2,7 triệu phản ánh về thiếu thông tin tiêm chủng, trong đó có tới 1,2 triệu phản ánh đã tiêm nhưng chưa cập nhật thông tin 2 mũi.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho các Vụ/Cục liên quan trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an để đảm bảo thực hiện tiến độ nhập liệu, xác thực tiêm chủng cho người dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng giao nhiệm vụ liên quan đến việc xác thực tiêm chủng cho từng đơn vị của ngành công an trong phối hợp với ngành y tế và thông tin, truyền thông; đồng thời nhấn mạnh, đơn vị nào không thực hiện nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bộ.
Các địa phương tăng tốc tiêm chủng
Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, tỷ lệ sử dụng vắc xin của các tỉnh (theo phân bổ) về cơ bản đạt khá cao, chỉ khoảng 6-7 tỉnh có tỉ lệ sử dụng vắc xin trên số vắc xin phân bổ đạt dưới 70%, còn lại hầu hết đều đạt tỷ lệ từ 85% trở lên.
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý, hiện nay số lượng vắc xin được tiêm hàng ngày không đồng đều, do vậy các địa phương cần tăng tốc tiêm chủng. Tốc độ tiêm vắc xin quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Do đó, nếu địa phương nào tiêm chủng chậm thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vắc xin đến địa phương có tốc độ tiêm đảm bảo yêu cầu.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản quán triệt về công tác tiêm chủng, đề nghị các tỉnh đẩy mạnh, tăng tốc độ tiêm chủng để đạt được kế hoạch đề ra và thực hiện triệt để những quán triệt liên quan đến phối hợp giữa các bộ về nhập liệu, xác thực thông tin tiêm chủng của người dân.
Tính riêng trong những ngày đầu tháng 10, Bộ Y tế đã liên tiếp ra 3 văn bản nhắc nhở các địa phương về vấn đề đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cũng như tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh để các tỉnh, thành phố có thể tiếp nhận vắc xin kịp thời khi vắc xin được phân bổ về địa phương, triển khai nhanh chóng và hiệu quả công tác tiêm chủng cho người dân.
Cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, vấn đề nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin cũng tích cực được triển khai, dự kiến trong năm 2022 nước ta sẽ sản xuất được vắc xin phòng Covid-19.
Việc biết tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân rất quan trọng, để có thể quản lý thống nhất đồng bộ từ trên xuống dưới. Do đó 3 bộ Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông đã thống nhất cùng triển khai một kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác để vừa phục vụ phòng chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại, tham gia các hoạt động của người dân. |