Đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng hội nhập CPTPP |
Cấm hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, thiếu lành mạnh
Ý kiến phát biểu của các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cho rằng việc sửa đổi này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) đề nghị cần rà soát lại các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là các hoạt động kinh doanh bảo hiểm đặc thù để bảo vệ tốt hơn cho người tham gia bảo hiểm, nhất là người nghèo, người lao động, người yếu thế... Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị cần có quy định cụ thể hơn việc cấm hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, thiếu lành mạnh vì trên thực tế những hành vi này diễn ra khá phổ biến, cần sớm được khắc phục.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cũng đề nghị những nội dung trọng yếu trong Dự thảo Luật như là về tiêu chí, điều kiện của doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức tương hỗ, việc quản trị rủi ro, hoạt động nghiệp vụ hay quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cần phải được quy định trong luật thay vì giao cho Chính phủ quy định như Dự thảo.
“Trong khi đó, quy định như trong dự thảo ở Điều 38, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận nội dung mà không trả tiền bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm, là một quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm vì Luật Kinh doanh bảo hiểm là những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành không phải người mua bảo hiểm nào cũng có những kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro để bảo vệ quyền lợi của mình”- đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) |
Vị đại biểu này cũng đề nghị nội dung này phải được quy định cụ thể hơn có thể tại một điều hoặc có dẫn chiếu đến các điều có quy định tại dự thảo và Luật Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, thì mới có thể thỏa thuận với người mua bảo hiểm đối với những nội dung mà luật quy định.
Tránh lợi dụng kinh doanh bảo hiểm hình thành đại lý ảo
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. “Tức là người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến rủi ro, đổ vỡ” - đại biểu chỉ ra.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, dù quy định luật ghi khá rõ tiêu chuẩn đại lý là như thế nào, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, thế nhưng hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng.
“Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước để tăng cường quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Nhà nước rất nhân văn. Tuy nhiên, trong dự thảo luật thì vẫn chưa nêu cụ thể được các chính sách ra sao, cơ chế tài chính, nhân lực, thủ tục đăng ký kinh doanh dẫn đến việc khó thực hiện sau này. Cơ quan soạn thảo nêu rõ ràng, cụ thể vào luật.
Về nguyên tắc cung cấp sử dụng dịch vụ bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc quy định dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là khá cần thiết. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng, quy định rõ ràng, tránh việc lợi dụng để chuyển tiền qua nước ngoài qua loại hình bảo hiểm một cách hợp pháp.