Tại Hội thảo khoa học “Thực trạng quan hệ phối hợp của các cơ quan quan lý nhà nước trong kiểm soát hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” ngày 28/2 đã có nhiều ý kiến về vấn đề trên.
Ông Nguyễn Duy Bách, Đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - phân tích: Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 50/2016/NĐ - CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư đều chưa đề cập đến khái niệm chuyển giá của các DN FDI. Song thực tế, hiện nay chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để cơ quan đăng ký đầu tư quản lý giá chuyển nhượng qua các giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá trong DN FDI.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và các cơ quan khác nhằm theo dõi hành vi chuyển giá cũng chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hiện hành.
Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan với cơ quan Thuế để công tác chống chuyển giá có hiệu quả. |
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù đã có Thông tư liên tịch giữa NHNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về việc trao đổi cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế, hải quan với các tổ chức tín dụng về hồ sơ vay, giao dịch qua tài khoản, chuyển tiền thanh toán nhưng tới nay việc phối hợp vẫn chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.
Còn theo đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46), Công an TP. Hồ Chí Minh, mặc dù giữa Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục Thuế đã có quy chế phối hợp từ cách đây 10 năm song công tác phối hợp giữa hai cơ quan này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Cụ thể, theo quy chế phối hợp Phòng cảnh sát kinh tế là đầu mối chính trao đổi thông tin. Khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển qua cơ quan điều tra. Nếu vụ việc chuyển sang có kết luận đủ yếu tố cấu thành tội phạm đều được cơ quan công an xử lý triệt để. Đối với các trường hợp không đủ cơ sở truy tố, cơ quan điều tra cũng có phản hồi thông tin lại cho cơ quan thuế để cơ quan thuế thực hiện truy thu và xử lý vi phạm hành chính.
Nhưng đối với lĩnh vực chống chuyển giá, do Phòng Cảnh sát kinh tế không có chức năng quản lý các DN FDI nên rất hạn chế trong việc quản lý địa bàn, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
“Đây cũng là nguyên nhân trong 10 năm qua Phòng PC 46, Công an TP. Hồ Chí Minh chưa nhận được một hồ sơ nào của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị xử lý các hành vi vi phạm về chuyển giá”, vị này cho biết.
Thừa nhận những bất cập nêu trên, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ trước đến nay do chưa có các quy định cụ thể nên khi cơ quan thuế cần sẽ phải làm văn bản gửi tới các đơn vị đề nghị phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin. Mặc dù phần lớn các đơn vị vẫn cung cấp nhưng chưa coi đó là trách nhiệm của mình.
Để công tác phối hợp trong chống chuyển giá mang lại hiệu quả thiết thực, bà Hương cho rằng, ngoài các đơn vị nêu trên các hiệp hội ngành nghề chuyên môn cũng phải tham gia vào công tác phối hợp chống chuyển giá. Bởi các Hiệp hội này không chỉ quản lý về nghiệp vụ chuyên môn mà còn nắm được hiệu quả hoạt động của các DN trong ngành. Do đó, sự phối hợp của các Hiệp hội ngành nghề với cơ quan thuế sẽ trực tiếp mang lại hiệu quả cho công tác chống chuyển giá của cơ quan thuế.
Hiện Bộ Tài chính đã soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá. Trong đó có quy định rõ trách nhiệm phối hợp của 7 đơn vị liên quan bao gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với quy định như trên, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác chống chuyển giá sẽ cụ thể và mang lại hiệu quả hơn. |