Cần có cơ chế đặc thù cho đối tượng đặc thù là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng phát triển đất nước".
Hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập VUSTA.
Toàn cảnh hội thảo |
Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khằng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiếp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng họat động của hệ thống chính trị”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng- Chủ tich VUSTA cho biết: Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không tách rời với dân tộc với đất nước. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn được Đảng ta và Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao. Sự kiện lần này nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, đánh giá lại công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước xây dựng và phát triển đất nước nói chung và VUSTA nói riêng.
TSKH. Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Bộ phận trí thức Người Việt Nam ở nước ngoài là một cấu thành quan trọng, một nguồn lực dồi dào đóng cho sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Trong thời gian tới, đội ngũ Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi.
Ông Mai Phan Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chia sẻ: “Đây là cơ hội để chúng ta trao đổi thẳng thắn, thực chất góp phần xây dựng những kết nối bền vững giữa cộng đồng khoa học trong và ngoài ước trong tương lai, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước”.
Trong những năm qua, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, Khu Công nghệ cao, các bệnh viện..
Nhờ chính sách thu hút nguồn lực trí thức, khoa học, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành được đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao. Với sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, chỉ riêng lĩnh vực vi cơ điện tử của Trung tâm R&D thuộc Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) đã có gần 20 nghiên cứu sinh được đào tạo chuyển giao, làm chủ công nghệ tiên tiến, vận hành được những thiết bị hiện đại của Trung tâm, tiếp cận công nghệ mới để nhanh chóng phát triển những sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu hình thành Smart City của Thành phố.
Đánh giá về các chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học của TP. Hồ Chí Minh, GS. Đặng Lương Mô, một nhà khoa học người Việt có uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới đã sớm trở về Thành phố làm việc từ năm 2002, cho rằng chính sách thu hút những chuyên gia quốc tế, trong đó có Việt kiều vào một số vị trí của TP. Hồ Chí Minh là rất hay và đúng chủ trương như đã được thể hiện qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004.
Mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút lực lượng trí thức kiều bào, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Góp ý về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Tp. HCM cho rằng: Chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp
“Điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”, GS.TS Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ- Chủ tịch VinIT cho rằng cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học Việt kiều |
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện công nghệ VinIT: “Chúng tôi cần sự đãi ngộ, sự tôn trọng, sự cầu thị, lắng nghe của cả hệ thống chính trị, xã hội. Chúng tôi cần nhiệm vụ để làm việc, nhiều trí thức đã về lại ra đi, tâm tư nguyện vọng họ giống nhau. Nhà nước nên mạnh dạn giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ đặc biệt là khoa học công nghệ trọng điểm cho nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài”.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ lực lượng trí thức Việt kiều, qua đó, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những giải pháp hay, khả thi, hiệu quả để kiến nghị Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực của trí thức Người Việt Nam ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và phát triên đất nước hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số quốc gia.
Sau dội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu cụ thể hóa thành các nội dung, hình thức nhằm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hơn nữa công tác vận động trí thức gười Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước.