Trên thế giới, chuyển đổi số được nhắc đến như một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo ông, chuyển đổi số được hiểu như thế nào, nền tảng của nó là gì và lợi ích chuyển đổi số mang lại?
Theo tôi, chuyển đổi số là làm thế nào để thích ứng được tương lai. Chuyển đổi số có 2 phần chính: Phần số và chuyển đổi. Phần số là kênh để kết nối con người với máy móc, thông tin. Phần thứ 2, chuyển đổi về tổng thể mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, ghép lại với nhau, gọi là chuyển đổi số. Bởi vậy, chuyển đổi số không chỉ chuyển đổi về công nghệ mà còn gợi chuyển đổi số hóa, để doanh nghiệp tiếp thu và thành công trong tương lai.
Về lợi ích của chuyển đổi số, cả doanh nghiệp và khách hàng đều được hưởng lợi. Về khách hàng, họ sẽ có thêm trải nghiệm mới về sản phẩm, dịch vụ… Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp thay đổi mô hình kinh doanh, công nghệ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, sau khi chuyển đổi số, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng tăng lên vì nhu cầu của người dân được đáp ứng kịp thời và có thể vượt kỳ vọng.
Các doanh nghiệp cần trang bị những gì để chuyển đổi số, thưa ông?
Đây là một vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm và cũng là câu hỏi khó. Chuyển đổi số phải có sự chuẩn bị từ những vấn đề nhỏ nhất. Trước hết, doanh nghiệp phải có khát khao mãnh liệt để làm việc. Sau đó, cần tính những bước đi tiếp theo, từ chuẩn bị cho đến phương thức hoạt động…
Để chuyển đổi số, có 7 bước nhưng tập trung vào 4 bước quan trọng nhất.
Thứ nhất, định nghĩa bản thân cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định sứ mệnh, slogan, mục tiêu, chiến lược. Doanh nghiệp không thể chuyển đổi số bằng việc áp dụng mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khác mà phải xác định của riêng mình, vì mỗi doanh nghiệp có những điều kiện khác nhau về tài chính, công nghệ, nhân lực…
Thứ hai, chuẩn bị nhân lực. Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho nhân viên, cán bộ công ty để thích ứng chuyển đổi số bằng những buổi tập huấn, giúp họ thay đổi suy nghĩ, nâng cao kỹ năng làm việc.
Thứ ba, thay đổi về người lãnh đạo. Hầu hết trong số chúng ta đều là những người đi sau. Thay đổi tư duy của người lãnh đạo sẽ làm thay đổi toàn bộ doanh nghiệp.
Cuối cùng, đánh giá rủi ro. Bất cứ việc gì đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho kịch bản tương lai, đón nhận cả những tác động tích cực và tiêu cực.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để chuyển đổi số nhanh và hiệu quả?
Việt Nam có lợi thế tốt trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, GDP tăng từ 6 - 7%/năm và vẫn đang trên đà tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, môi trường kinh tế, đầu tư ở Việt Nam đang rất thuận lợi. Lợi thế tiếp theo ở Việt Nam là con người, nhân lực trẻ, nhiệt huyết, ham học hỏi, có kiến thức về công nghệ. Những người trẻ là một phần kiến tạo tương lai, giúp chúng ta thích ứng được môi trường cạnh tranh hiện nay.
So với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang trên bước tiến chuyển đổi số. Đây cũng là lợi thế cho Việt Nam khi các nước láng giềng cùng nhau thúc đẩy, phát triển và chuyển đổi số mạnh mẽ. Ngoài ra, chính sách ở Việt Nam đang đi từ dưới lên - nghĩa là xuất phát từ lợi ích con người.
Ở Việt Nam, để chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất chính là cơ chế, chính sách. Tôi nghĩ Việt Nam nên có cơ chế, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, phải có khung kỹ thuật, những kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì trong thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cần hiểu biết về số liệu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mới có 13% có kỹ năng phân tích dữ liệu cốt lõi; 14% số người tin rằng cần phải có những kỹ năng.
Xin cảm ơn ông!