Cần có cái nhìn đúng hơn về ngành hóa chất
Nản lòng các nhà đầu tư có thiện ý
Tôi đã mang những nhưng trăn trở này chia sẻ với ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trên thực tế, công nghiệp hóa chất được coi là ngành kinh tế trọng điểm, nếu không có công nghiệp hóa chất thì sẽ không tạo ra sản phẩm là nguyên vật liệu phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Nhưng thực tế, thời gian qua nói đến công nghiệp hoá chất là nghĩ đến một ngành kinh tế đầy rủi ro cho con người và môi trường. Tại nhiều địa phương nhà đầu tư ngành hóa chất bị hắt hủi khiến họ nản lòng.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Thanh bày tỏ, nhiều địa phương đã đặt “barie” hạn chế đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực hóa chất. Do quan niệm và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp hóa chất chưa đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm và nguy hiểm, dẫn đến các chủ trương phát triển của nhiều địa phương không thu hút đầu tư công nghiệp hóa chất, thay vào đó là một số ngành nghề khác. “Những quan niệm này gây khó khăn cho các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của công nghiệp hóa chất, trong khi đây là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, làm tiền đề hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng khác”- ông Nguyễn Văn Thanh bộc bạch.
Là một doanh nghiệp hóa chất có quy mô lớn, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang cho hay, Tập đoàn có nhà máy ở Đức Giang, mất 5 – 6 năm nay mới di chuyển xuống khu công nghiệp Phố Nối B – Hưng Yên được vì cứ nghe sản xuất hóa chất là không đâu nhận. “Về đấy, tôi có dự án làm xút, chất dẻo 7.000 tỷ mà chạy mấy năm nay chưa có miếng đất cắm dùi vì cứ nói hóa chất là họ sợ. Nên chăng các địa phương xem xét từng dự án cụ thể xem nó có nguy hại không? Chúng tôi có dự án trên khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) 60.000 tấn phốt pho vàng, nhưng hơn 10 năm nay không hề có sự cố. Chúng ta làm hoá chất, dù có nguy hại nhưng độc thì cũngcó thể khống chế được chất độc chứ không có hóa chất thì ta làm được gì? Phốt pho quan trọng trong ngành điện tử và càng trở nên cần thiết hơn với sự phát triển của công nghệ 5G. Sản phẩm của công ty cũng thiết yếu đối với ngành nông nghiệp với các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu”, ông Huyền nói.
Hóa chất là sản phẩm thiết yếu đối với nhiều ngành công nghiệp |
Cũng trong một chuyến công tác tại Lào Cai, tại buổi làm việc với doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, hiện rất nhiều địa phương có tâm lý không khuyến khích việc đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất, nhiệt điện, dệt nhuộm, dệt may và cho rằng đó là những nguy cơ trực tiếp liên quan đến vấn đề môi trường tại địa phương.
Là một lãnh đạo Bộ có tâm huyết với ngành hóa chất, Thứ trưởng nêu rõ quan điểm, tại thời điểm này, đầu tư các dự án công nghiệp hóa chất với công nghệ mới có thể giảm thiểu đến mức độ tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Luật Môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về môi trường thế giới. Thế nhưng vẫn có tình trạng rất nhiều địa phương nói không và từ chối đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. “Đó là vấn đề rất đáng quan ngại, Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ, phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu ngành công nghiệp nào cũng cho là ô nhiễm thì làm sao đất nước có thể phát triển được?” – Thứ trưởng nêu thực trạng và mong muốn báo chí sẽ góp phần là cầu nối và có tiếng nói để thay đổi được cái nhìn của địa phương và người dân đối với ngành hóa chất.
Qua chia sẻ của lãnh đạo Cục Hóa chất, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, doanh nghiệp tôi hiểu thêm về những hạn chế của ngành hóa chất, những khó khăn không dễ gì có thể vượt qua định kiến “cố hữu” của các địa phương về tính chất rủi ro của ngành. Bản thân những người làm truyền thông như chúng tôi cũng cảm thấy “gánh nặng” khi chưa có tiếng nói thiết thực giải tỏa tâm lý cho người dân cần hiểu rõ và có cái nhìn thiện cảm hơn đối với ngành hóa chất. Và người làm báo chí sẽ truyền tải thông tin như thế nào để các cấp, các ngành địa phương luôn tích cực, đồng hành trong lộ trình xúc tiến những cơ hội đầu tư các dự án tổ hợp hóa chất năng động đến với các địa phương?
Xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của Bộ Công Thương, Thủ tướng chính Phủ đã nhấn mạnh “ngành điện, năng lượng, hóa chất phải là ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển công nghiệp”. Đây thật sự là thông điệp đáng mừng mở lối cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển. Với sự kiện này báo chí, truyền thông trong đó có báo ngành Công Thương đã nỗ lực thông tin để các địa phương có sự nhìn nhận toàn diện mang tính biện chứng trong vấn đề môi trường để có được sự thống nhất trong việc tổ chức triển khai những quan điểm phát triển của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp nói chung, trong đó có ngành công nghiệp hóa chất.
Khi tôi viết về những “điểm nghẽn” trong phát triển công nghiệp hóa chất, tôi vui mừng đón nhận những thông tin tốt và suy nghĩ tích cực của một số địa phương. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, là một điểm đến tin cậy, hấp dẫn còn bởi sự cải thiện không ngừng của môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện và minh bạch. Từ sự “bừng sáng” của Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã tạo sức lan tỏa đến cả chuỗi ngành công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu. Khu Kinh tế Nghi Sơn hiện nay, được coi là cầu nối giữa Bắc bộ với Trung bộ và Nam bộ, với chức năng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Với quan điểm “sự thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Thanh Hóa”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn lắng nghe, xem xét nguyện vọng, thực hiện điều chỉnh một số các cơ chế, chính sách sát sườn với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Gần 20 năm gắn bó với nghề báo, tôi càng hiểu rằng, công việc của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó gắn với những nỗi niềm trăn trở đối với công việc mà mình đang gắn bó, những khó khăn, vướng mắc và sự thành công của ngành Công Thương luôn có đóng góp không nhỏ của Báo Công Thương. Tôi tự hào vì mình đã viết những điều chân thành, giản dị nhưng góp phần bé nhỏ vào “điểm nghẽn” trong phát triển công nghiệp hóa chất với hàng loạt bài viết và Tọa đàm đối thoại chính sách của Báo Công Thương như: “Khơi thông “điểm nghẽn” để công nghiệp hóa chất phát triển bền vững”; “Xây dựng ngành hóa chất thân thiện với môi trường”…
Cùng với nỗ lực của báo chí, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cũng quyết tâm thể hiện rất rõ khi ông khẳng định, tới đây, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, thu hút được các nhà đầu tư hóa chất lớn, nhưng đồng thời phải theo hướng bền vững, tránh rủi ro.
Tôi chợt nghĩ, người làm truyền thông và lãnh đạo các Cục vụ thuộc Bộ Công Thương có liên quan đến ngành hóa chất đều có một mong mỏi để xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, ngoài việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự nỗ lực của Chính phủ cần có tiếng nói chung từ Trung ương, Chính phủ và các địa phương để từng bước làm thay đổi quan điểm lâu nay về công nghiệp hoá chất, hướng tới phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.