Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã chủ trì cuộc họp báo về vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022 của Campuchia với chủ đề “Hành động ASEAN: Cùng giải quyết thách thức” với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đại diện Quốc gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) Pan Sorasak, và Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao, Đại diện Quốc gia của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), Hang Chuon Naron, Tiến sĩ Dy Khamboly. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên trong đoàn ngoại giao Campuchia và nước ngoài và các thành viên của các phương tiện truyền thông trong nước…
Phó Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh chủ đề “Hành động ASEAN: Cùng giải quyết thách thức” nhằm phát huy tinh thần ASEAN là một gia đình đoàn kết gồm 10 quốc gia thành viên với ý thức mạnh mẽ “Chung sức chung lòng” cùng nhau hành động vì kết quả đạt được các mục tiêu chung, từ đó đóng góp xây dựng hơn nữa cho duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và toàn cầu. Campuchia cũng nhấn mạnh bốn nhóm thách thức có ý nghĩa chiến lược vượt xa ASEAN, đó là nhu cầu cấp thiết phải đạt được sự phục hồi nhanh chóng sau các tác động của đại dịch Covid-19, áp lực to lớn đến từ các yếu tố địa chính trị, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện có, và các thách thức nội bộ và thể chế của ASEAN.
Campuchia nhấn mạnh rằng các ưu tiên của ASEAN trong năm 2022 được xác định để giải quyết những thách thức này. Về vấn đề này, các ưu tiên chính trong Trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN cho ASEAN 2022, bao gồm duy trì và củng cố vai trò Trung tâm của ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng, thúc đẩy đóng góp của khu vực vào hòa bình toàn cầu, củng cố và mở rộng quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài. Sự chú ý trước mắt là làm dịu tình hình ở Myanmar dựa trên Đồng thuận 5 điểm được nhất trí tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 4 năm 2021 và các nguyên tắc chỉ đạo của Hiến chương ASEAN. Campuchia cũng mong muốn hoàn tất quá trình kết nạp Đông Timo vào gia đình ASEAN. Đại diện Campuchia cũng thông báo kế hoạch tổ chức hai sự kiện bên lề lớn - Đối thoại Toàn cầu ASEAN về Phục hồi Toàn diện Hậu Covid-19 và Hội nghị Cấp cao các Nữ lãnh đạo ASEAN lần thứ 2 về khởi nghiệp.
Một số ưu tiên về Kinh tế và Văn hóa - Xã hội đã được nêu rõ tại cuộc họp, như đảm bảo thực hiện hiệu quả các sáng kiến ứng phó của Covid-19; khởi động việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tăng cường các Hiệp định Thương mại Tự do hiện có; thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, MSMEs và trao quyền cho phụ nữ; tăng cường kết nối số và hợp tác khoa học và công nghệ; và tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và sự bảo vệ xã hội của người dân ASEAN.