Từ ý tưởng, tầm nhìn đến hiện thực
Bangalore là thành phố công nghiệp, nơi tập trung các khu công nghệ cao của các doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, thiết bị điện tử và phần mềm của Ấn Độ. Chính vì vậy nó được biết đến như một thung lũng Silicon ở châu Á, theo hình mẫu của “Silicon Valley” của Mỹ.
Sản phẩm công nghệ mới của GE |
Cha đẻ của Silicon châu Á là ông R. K. Baliga (1929-1988). Từ những năm 1970, ông đã đề xuất ý tưởng về sự phát triển thành phố điện tử dù có nhiều tranh cãi song với sự ủng hộ của Chính phủ Ấn Độ, Công ty phát triển Điện tử Karnataka State (KEONICS) đã được thành lập tạo nền móng và sự lan toả để giúp Bangalore trở thành thành phố công nghệ cao như hiện nay.
Ở thành phố điện tử - công nghệ cao này có rất nhiều khu công nghiệp, công viên công nghiệp được quy hoạch theo từng lĩnh vực như: Công viên công nghệ phần mềm Ấn Độ; Công viên công nghệ quốc tế Bangalore; Công viên công nghệ Manyata; Khu công nghệ trồng hoa trong nhà kính; Khu công nghiệp dệt lụa; Khu công nghệ sinh học; Khu công nghiệp sản xuất điện thoại, ô tô; Trung tâm dịch vụ tài chính…Và hầu như tất cả công nghệ của Ấn Độ hay thế giới đều được tập trung ở đây với sự góp mặt của các ông lớn hàng đầu thế giới. Trong đó có thể kể đến Siemens, Hewlett Packard, Infosys và Wipro; Oracle; Texas Instruments; Yahoo; iGate, Dell, Oracle, GM, Aviva; IBM , Philips , Samsung...
Toà nhà Chính quyền Bangalore trở thành điểm du lịch hấp dẫn |
Sự thành công của các công ty công nghệ cao và công nghiệp tại Bangalore đã góp phần to lớn vào phát triển kinh tế của Ấn Độ. Hơn một nửa sản lượng phần mềm xuất khẩu của quốc gia này đến từ đây với đóng góp khoảng 6,38 tỷ USD vào năm 2004 và tăng lên 83 tỷ USD vào năm 2011 cho nền kinh tế Ấn Độ. Đây cũng là khu vực thu hút lao động chất lượng cao hàng đầu của Ấn Độ với hàng triệu kỹ sư công nghệ thông tin, chiếm trên 35% chuyên gia công nghệ thông tin của Ấn Độ.
Ở Bangalore còn có nhiều trung tâm khởi nghiệp, đào tạo những doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cao... Các thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên, đang tiếp tục truyền bá và giảng dạy văn hóa khởi nghiệp cho thế hệ tiếp sau. Họ hình thành mạng lưới các tổ chức để giảng dạy về mô hình khởi nghiệp, tầm nhìn, khai thông dòng thông tin, bí quyết, kỹ năng và hỗ trợ cả nguồn vốn để khởi nghiệp các doanh nghiệp công nghệ trong cộng đồng khởi nghiệp của họ.
Và những cảm nhận
Trong những ngày ở Bangalore, chúng tôi được đi thăm một số điểm du lịch nổi tiếng và trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn GE (Mỹ). Dù ngắn ngủi nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng trong mỗi người.
Ấn tượng đầu tiên ở thành phố công nghiệp này là cảnh quan khá giống với Việt Nam. Từ những công trình xây dựng đang mọc lên như nấm; những con đường nhỏ bụi bặm vì thi công, nâng cấp hay ôtô, xe máy, xe túc túc... đan xen tạo nên một bức tranh giao thông dày đặc.
Bangalore vẫn đang trên đường phát triển |
Hướng dẫn viên cho biết, Bangalore ở phía Nam của Ấn Độ, với diện tích 70.900 ha, dân số của thành phố khoảng hơn 5 triệu người nhưng cộng cả số người di chuyển đến đây làm việc thì dân số thực tế sẽ khoảng gần 10 triệu người. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên khi làn sóng di cư tìm việc, tìm cuộc sống tốt hơn của cư dân các vùng lân cận chưa dừng lại.
Sự phân hoá giàu nghèo cũng hiện rõ qua những gì chúng tôi quan sát được và qua lời kể của anh hướng dẫn. Thu nhập của những người lao động nghèo bình thường kém hàng chục lần so với những người làm cho các công ty nước ngoài.
Ở Bangalore, công tác an ninh rất nghiêm ngặt. Khi đi vào các công sở, toà nhà, khách sạn, tất cả các phương tiện, người ra vào (kể cả người làm cho đơn vị đó) đều được kiểm tra kỹ lưỡng qua hai lớp cửa an ninh. Bên ngoài là dàn bảo vệ được trang bị máy móc, gương soi gầm và có chó nghiệp vụ. Khi vào bên trong, mọi người có đồ đạc túi xách được kiểm tra thêm bằng máy soi.
Khác với không khí ồn ào ngoài đường, bên trong các công ty nghiên cứu, lại khá tĩnh lặng và sạch sẽ. Đơn cử như Trung tâm Công nghệ John F.Welch của GE có diện tích trên 200 ha, đi vào hoạt động từ năm 2000. Gần 5.300 kỹ sư, nhà khoa học của GE miệt mài làm việc trong văn phòng đầy rãy máy tính và những mô hình máy móc để cho ra đời hàng chục, hàng trăm phát minh sáng chế cải tiến công nghệ đột phá từ lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ, điện năng đến động cơ máy bay…
Có thể nói, Bangalore ấn tượng với chúng tôi đó là tầm nhìn định hướng, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp “chất xám” - vừa sạch, vừa phát huy hết khả năng sáng tạo của con người, mang lại doanh thu lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia đi sau học hỏi, trong đó có Việt Nam để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều phân tích chỉ ra, tại sao Bangalore lại trở thành trung tâm công nghệ cao thành công của Ấn Độ? Trước hết phải kể đến tầm nhìn và sự quyết liệt của những người lãnh đạo Chính phủ với các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ đầu tư cho hạ tầng, đào tạo… |