Cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Doanh nghiệp kinh doanh vàng có bị ảnh hưởng?
Nên đưa ra hạn mức cụ thể
This browser does not support the video element.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.
Kiến nghị này dù được đánh giá sẽ giúp minh bạch thị trường, song theo các chuyên gia, còn nhiều điều cần bàn tới trước khi thực hiện nguyên tắc này.
Đề xuất hạn chế thanh toán tiền mặt đối với mua bán vàng (Ảnh minh hoạ) |
Đưa ra quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, theo chủ trương của Chính phủ hướng xã hội đến thanh toán không dùng tiền mặt, vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị cao nên việc thanh toán không dùng tiền mặt là đương nhiên.
Hiện nay, hành lang pháp lý đã có, Ngân hàng nhà nước đã quy định mức không sử dụng tiền mặt là từ 20 triệu trở lên, do đó vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ.
Theo vị chuyên gia, nếu mua số lượng vàng lớn thì có thể áp dụng hình thức chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt. Song nếu chỉ mua nhỏ lẻ nửa chỉ vàng, hay mua vàng thì có thể giao dịch tiền mặt bình thường.
"Việc quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch vàng không ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường vàng mà tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng", PGS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng nhà nước. Xuất phát từ quy định này, một số ý kiến cho rằng, nếu muốn áp dụng quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt thì cũng cần đưa ra hạn mức cụ thể.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. Nếu các cấp có thẩm quyền muốn sử dụng biện pháp quản lý này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
"Nên quy định, mua bán vàng bao nhiêu tiền trở lên mới phải thanh toán qua tài khoản, điều đó mới khả thi. Có thể quy định giao dịch vàng trên 100 triệu đồng mới cần thanh toán không dùng tiền mặt; còn với những giao dịch ít, chỉ mua vài chỉ thì vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt", ông Long nói.
Đề xuất liệu có khả thi?
Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, đến nay cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (chiếm đến 80-90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc), bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh. Vì thế, việc áp dụng sẽ thêm những phức tạp không cần thiết cho việc kinh doanh.
Ông đặt vấn đề, trên thực tế, chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn. "Tại sao lại muốn áp dụng với ngành vàng? Các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến khích bớt sử dụng tiền mặt, chứ chưa có quốc gia nào đưa quy định 100% mặt hàng nào đó không được mua bán bằng tiền mặt", ông Khánh nói.
Ông Khánh phân tích thêm, nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi "ngầm" hết.
Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn.
"Để minh bạch thị trường vàng, trước hết các cơ quan chức năng nên tiến hành một cuộc khảo sát với nhiều nhóm tuổi khác nhau để biết được họ nghĩ gì về đề xuất mua bán vàng bằng tiền mặt có tiện lợi hay bất tiện như thế nào. Sau đó, mới xem có nên áp dụng giải pháp này vào cuộc sống hay không, tránh được những bất cập trong quá trình thực hiện", ông Khánh đề xuất.