"Kẽ hở" chính sách
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp một phần đáng kể vào GDP, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Nghị quyết 41, được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 10/2023, là một bước đột phá nhằm khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển của đất nước.
Tại buổi tọa đàm "Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt" do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/9, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế đánh giá: "Nghị quyết 41 không chỉ là một văn bản định hướng mà còn là một bước tiến lớn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân; mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, trở thành động lực phát triển chính của nền kinh tế".
TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng |
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc cải cách thể chế, với trọng tâm là sự minh bạch và đơn giản hóa quy trình, là yếu tố quyết định để hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết.
Theo vị chuyên gia, cải cách thể chế không chỉ là việc hoàn thiện các quy định hiện hành mà còn phải xây dựng mới những quy định phù hợp. Thể chế có nhiều khía cạnh để phân tích, nhưng ông Thành đề cập đến 3 khía cạnh, gồm "luật chơi", "người chơi" và "cách chơi".
Trong đó, "luật chơi" là các quy định pháp luật, cần được hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng thực tế. "Người chơi" và "cách chơi" là các phương pháp thực hiện và sự hiện thực hóa các giá trị hợp lý, cần được cải thiện để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước. Do đó, cần có một môi trường thử nghiệm cho các công chức, giúp họ làm việc hiệu quả mà không bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân và các quy trình hành chính phức tạp.
Ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp vận Hoà Phát. Ảnh: Cấn Dũng |
15 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Hoàng Đình Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp vận Hoà Phát cho biết, công ty đã được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng đầu tư tài sản và doanh thu của công ty đã tăng gấp 15 lần.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, vẫn còn những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Dù doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, việc chậm trễ trong xử lý thủ tục tại một số địa phương khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.
Ông Kiên nêu ví dụ từ một khách hàng của công ty; theo đó, doanh nghiệp này đầu tư dự án ở một địa phương, muốn tăng vốn đầu tư từ 3 triệu USD lên 8 triệu USD nhưng phải mất gần 3 tháng mới hoàn tất thủ tục; trong khi theo quy định chỉ cần 15 ngày. Doanh nghiệp cho biết dù làm đúng luật nhưng sự hỗ trợ tận tâm từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được như mong đợi.
"Chúng tôi kỳ vọng cơ quan quản lý cần có tư tưởng hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Chúng tôi không yêu cầu gì vượt quá giới hạn, chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và nhiệt tình để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay. Nếu cần, tổ chức cuộc họp và giải quyết vấn đề kịp thời", ông Kiên bày tỏ.
Để doanh nghiệp nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm"
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng chia sẻ: "Sau khi đã tiếp xúc, đối thoại với nhiều doanh nghiệp, họ phản hồi lại rằng: Khi một thủ tục nào đó có vướng mắc, có thể do lỗi của doanh nghiệp, có thể do lỗi của cơ quan nhà nước, họ mong muốn phải được giải quyết chứ không để xảy ra tình trạng có vướng mắc nhưng không biết thế nào, có được giải quyết hay không và có giải quyết được hay không... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và động lực của doanh nghiệp".
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Cấn Dũng |
Do đó, vị chuyên cho rằng có những vướng mắc giải quyết về mặt thể chế thì phải sửa kịp thời. Khi gặp vướng mắc không phải là do luật mà do quá trình thực thi, doanh nghiệp phản ánh lên địa phương, cơ quan nhà nước thì làm thế nào để vướng mắc đó được giải quyết, được chỉ rõ ra.
"Thực tiễn, tôi chưa nhìn thấy cơ chế nào để giải quyết vướng mắc trong khâu thực thi. Tôi rất mong muốn khi doanh nghiệp gặp vướng mắc sẽ có một đường dây nóng để phản ánh; phản ánh để được giải quyết chứ không phải phản ánh để được ghi nhận. Phải có cơ chế để giải quyết vướng mắc phát sinh trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Phan Đức Hiếu nói và nhấn mạnh "doanh nghiệp gặp khó khăn họ nhìn thấy "đường ra" mới là động viên tinh thần. Còn khi gặp vướng mắc mà không thấy "đường ra", không biết ngày nào được giải quyết, không ai giải quyết cho thì tinh thần của họ sẽ dễ bị "thui chột" đi rất nhiều".
Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng |
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Anh Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cơ quan nhà nước cần đẩy nhanh cải cách các quy định pháp lý chồng chéo, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần được trao quyền và phát huy vai trò nhiều hơn trong tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ công mà Nhà nước có thể chuyển giao.
"Điều này sẽ giúp giảm tải cho bộ máy công quyền, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong hoạt động kinh doanh. Nếu thực hiện được những giải pháp này, môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững", Luật sư Lê Anh Văn khẳng định.