Chất lượng tăng trưởng liên tục cải thiện |
Đánh giá cao những thay đổi của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – cho rằng: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng dần cải thiện. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Ảnh minh họa |
Dù vậy, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động.
Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - dẫn chứng về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua (1991-2020): Xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng GDP rõ rệt qua từng nhịp 10 năm. Cụ thể, nhịp 10 năm đầu tiên (1991-2000), tăng trưởng GDP có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,6%; tốc độ nhịp 10 năm thứ 2 (2001-2010), tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm giảm 1%, xuống còn 6,6%/năm và nhịp 10 năm thứ 3 (2011-2020), tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm 0,6%, xuống còn 6%/năm.
Về nguyên nhân của thực trạng này, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt là động lực tăng trưởng của Việt Nam đã suy giảm sau giai đoạn khởi động đổi mới khá ngoạn mục. Để cải thiện tình trạng tăng trưởng đang suy giảm, đã đến lúc không thể dựa vào vốn, nguồn lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Về động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới, GS. Trần Thọ Đạt – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân – nhấn mạnh: Kinh tế số chính là động lực tăng trưởng mới, quan trọng nhất của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cũng đặt mục tiêu, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Theo đó, kinh tế số sẽ tạo dư địa và không gian tăng trưởng mới, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và là con đường đi trong tương lai, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay.
Trên thực tế, để phát triển kinh tế số, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý cho kinh tế số phát triển, vẫn cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005; xây dựng Bộ tiêu chí thống kê, đo lường kinh tế số... Đặc biệt, cần có những chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số.
Bên cạnh tập trung vào kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo động lực mới cho tăng trưởng trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến khâu thực thi chính sách từ cấp trung ương xuống tới các địa phương. Cùng với đó, xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng vùng miền, địa phương trên cả nước, từ đó có cơ chế thúc đẩy phù hợp, nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, tránh lãng phí nguồn lực.
TS. JONATHAN PINCUS - cố vấn kinh tế cấp cao Chương trình Phát triển Liên hợp quốc: Để cải thiện chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ. |