Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc với những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm, đã đi vào không gian sống của người tiêu dùng bằng các sản phẩm gia dụng, trang trí; thị trường đã mở rộng ra cả nước. Tuy nhiên, làng nghề đang còn nhiều hạn chế do tính chất sản xuất nhỏ, sản phẩm chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gốm cùng loại
Với 553 hộ dân thì có đến hơn 400 hộ làm nghề gốm, các cơ sở gốm của làng nghề được sự hỗ trợ nhiều mặt từ chương trình, chính sách khuyến công của tỉnh như đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, tham quan học tập kinh nghiệm các làng gốm trong cả nước... Tuy nhiên, sản xuất gốm vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là cách nung truyền thống (nung ngoài trời) vẫn chưa được cải thiện, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm gốm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng tiêu thụ gốm Bàu Trúc đang giảm dần, người tiêu dùng đánh giá thấp chất lượng nung của gốm Bàu Trúc.
Trước tình hình đó, thông qua nguồn kinh phí khuyến công của địa phương, Sở Công Thương Ninh Thuận đã hỗ trợ 40.000.000 đồng cho 2 cơ sở sản xuất gốm ở Bàu Trúc để đầu tư lò nung gốm theo mô hình lò nung gốm Thanh Hà (Quảng Nam) nhằm cải thiện khâu yếu nhất về chất lượng của gốm Bàu Trúc hiện nay. Ông Dương Văn Sơn - Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Ninh Thuận) - chia sẻ, dự án sau khi hoàn thành đã lan tỏa lợi ích thực tế cho các cơ sở gốm; nâng cao nhận thức và nhân rộng cách nung gốm bằng lò nung nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm. Theo đó, 100% sản phẩm gốm chín đồng đều, không có sản phẩm hư hỏng do nứt, bể; tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng giảm đáng kể do nhiệt độ nung đạt trên 900o C và có thể nâng thêm nhiệt độ nung theo yêu cầu nhằm đảm bảo độ chín của gốm. Bên cạnh đó, năng suất được nâng cao khi lò nung gốm đáp ứng được những sản phẩm cỡ lớn.
Đặc biệt, theo ông Phú Hữu Minh Thuần - Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc (đơn vị tham gia dự án), môi trường khói bụi giảm đáng kể so với cách nung ngoài trời; hao phí nhiên liệu giảm do không thất thoát nhiệt. Mặt khác, trong quá trình nung thử nghiệm, cơ sở đã đốt thử với của sinh khối, hoàn toàn có thể thay thế củi tự nhiên. Sử dụng lò nung còn cho phép người thợ gốm Bàu Trúc thực hiện các kỹ thuật tạo màu cho da gốm như cách nung truyền. Hơn nữa, có thể sử dụng nung gốm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi...
Việc chuyển đổi phương pháp nung từ lộ thiên sang mô hình lò nung gốm Thanh Hà rất hiệu quả vì cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề bức thiết liên quan sản xuất làng nghề: Không phụ thuộc vào thời tiết nên có thể sản xuất quanh năm, chất lượng sản phẩm sau khi nung đồng đều, ổn định sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chuyển đổi mô hình lò nung rất phù hợp với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường cao, là những điều kiện rất cơ bản để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm gốm Bàu Trúc phát triển bền vững. |