Chính phủ đề nghị báo cáo tác động của cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp Từ ngày 1/7, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức tăng khoảng 30% |
Theo đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở sẽ được điều chỉnh.
Lương của công chức tăng khoảng 30%
Theo tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động đến toàn bộ cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Cải cách tiền lương phải đảm bảo đời sống cho người lao động |
Hiện nay, lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.
Với công chức, viên chức, mức lương trung bình có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện, công chức, viên chức trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - đánh giá: Mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Mức tăng này cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Với mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để người lao động nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường, tăng thêm đơn hàng để người lao động có việc làm trong thời gian tới.
Đảm bảo cân đối, hài hòa
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương sẽ bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương và xây dựng 5 bảng lương mới gồm: Bảng lương chức vụ; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an; bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Hiện nay có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm khoảng 6,78% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.
Khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, họ sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương. Vì vậy, để đảm bảo chế độ cho họ, Bộ Nội vụ tính toán để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng, tức là lương mới (kể cả bảo lưu) của những cán bộ, công chức, viên chức này không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho hay: Cải cách tiền lương cần tạo động lực với người lao động, để thúc đẩy năng lực công tác, giải phóng sức lao động, thể hiện tinh thần đóng góp, cống hiến để đạt được mức tiền lương như vậy. Điều quan trọng là tiền lương phải như là một đòn bẩy để thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công tác.
Cho nên, cải cách tiền lương phải hướng tới làm sao cho thị trường lao động phát triển, thu hút được lao động có kỹ năng, tay nghề tốt. Nếu cải cách tiền lương làm tốt, sắp xếp bố trí vị trí việc làm tốt, xếp lương đúng sẽ tạo động lực thu hút lao động chất lượng cao vào khu vực công nhiều hơn.
Cùng với đó, cải cách tiền lương gắn với giải phóng sức lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động và thúc đẩy phát triển thị trường lao động khu vực công tốt hơn.
Cùng bàn về vấn đề cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu. Nếu tiền lương của công chức, viên chức khi cải cách tăng 23,5%, ít nhất lương hưu phải tăng 15%. Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu thiệt thòi. Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi thực hiện cải cách tiền lương, người có công trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những người hưởng chế độ này không bị thiệt thòi. Sau cải cách tiền lương, người có công sẽ hưởng mức cao hơn bình quân. Tiếp đó, phấn đấu nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, mức chuẩn tối thiểu phải bằng 50% hộ nghèo nông thôn. Mức chuẩn trợ cấp hiện nay chỉ 360.000 đồng là quá thấp.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công 18 nghìn tỷ đồng. |