Ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - cho biết: Trong năm 2020, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định. Đây sẽ là bước tạo đà vững chắc để trong thời gian tới ngành công nghiệp của tỉnh có thể tiếp tục vượt qua khó khăn, không ngừng mở rộng và phát triển. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm ước đạt 254.751 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 2,1% so với năm 2019.
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương coi nhiệm vụ cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm |
Trong đó, một số mặt hàng công nghiệp tăng khá so với năm 2019 như: Điện sản xuất tăng 11,1%; nước sạch tăng 9,7%; sản phẩm may, trang phục tăng 2,9%; xi măng tăng 3,1%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà tăng 14,1%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,5%; ngành khai khoáng giảm 10,2% so với năm 2019. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 1.823,835 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.285,02 ha.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm của tỉnh ước đạt 61.152 tỷ đồng, tăng 6,38% so với thực hiện năm 2019. Trong đó: Bán lẻ hàng hóa đạt 51.670 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9.482 tỷ đồng. Về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, ước thực hiện cả năm đạt 7,776 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa đạt 5,918 tỷ USD.
Trong năm 2020, có trên 90 doanh nghiệp xin cấp C/O tại Sở Công Thương Hải Dương. Lũy kế hết năm 2020, đã cấp 12.079 C/O; giá trị ước đạt 1.058,5 triệu USD; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công may mặc, linh kiện điện tử cho sản xuất ô tô, xe máy và điện thoại. Trong đó, thị trường Hàn Quốc chiếm 45%; thị trường khối ASEAN chiếm trên 20%; thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17%; còn lại là thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga… xin cấp C/O tại Hải Dương.
Để đạt được những kết quả trên, trong thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tạo dựng và củng cố lòng tin để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất kinh doanh tại Hải Dương. Thường xuyên quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của ngành Công Thương.
Một trong những hoạt động trọng tâm của Sở là tích cực triển khai thực hiện tốt đề án cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Thường xuyên cập nhật, niêm yết công khai thủ tục hành chính, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính… tại “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” cũng như trên trang thông tin điện tử của ngành bảo đảm chính xác, kịp thời, minh bạch, đầy đủ; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính.
Hàng năm, Sở đều ban hành kế hoạch cải cách hành chính và tổ chức triển khai thực hiện; phân công cụ thể cho các phòng ban, đơn vị thực hiện công tác cải cách hành chính theo lĩnh vực mình phụ trách; bố trí công chức, nhân viên theo đúng vị trí việc làm, đảm bảo phù hợp và phát huy năng lực, sở trường của từng người, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan; tích cực tham gia ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật có quy định thủ tục hành chính, đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân, xã hội và Nhà nước; tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, thực hiện mối quan hệ công tác giữa khối văn phòng Sở với công chức của Sở được cử đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công; hướng dẫn các phòng chuyên môn thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả, trong năm 2020, đã tiếp nhận, chuyển các phòng chuyên môn xử lý 611 hồ sơ thuộc các lĩnh vực, từ năm trước chuyển sang 34 hồ sơ, tổng cộng 645 hồ sơ. Theo đó, đã thẩm định và giải quyết, trả kết quả 601 hồ sơ; 35 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết; trả lại 9 hồ sơ do không đủ điều kiện giải quyết. Ngoài ra, Sở tiếp nhận 5.751 thông báo thực hiện khuyến mại của các doanh nghiệp, tổ chức (trong đó 4.731 thông báo được tiếp nhận và xử lý trực tuyến, chiếm tỷ lệ 82,3%).
“Sở Công Thương Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo chính xác, khách quan; giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho tổ chức, công dân. Tỷ lệ thủ tục hành chính được trả kết quả trước hạn chiếm tỷ lệ cao (chiếm 99,8%)” - ông Phạm Thanh Hải nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở đã làm tốt nhiệm vụ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính, thường xuyên chủ động, kịp thời rà soát, thống kê, xây dựng trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố hoặc bãi bỏ danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở. Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công thực hiện niêm yết, công khai thủ tục hành chính tại Trung tâm và trên website theo quy định; chú trọng quan tâm hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của Sở…
Trong năm 2021, tỉnh Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với thực hiện năm 2020, ước đạt 280.000 tỷ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 8,7%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,2% so với năm 2020, ước đạt 68.800 tỷ đồng; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021ước tăng dưới 5%/năm. |