Lương công chức, viên chức sẽ tăng hơn 30% từ 1/7/2024? Những trường hợp nào nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ tỷ lệ lương hưu 2%? |
Theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2024 sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.
Ngành y tế và giáo dục sẽ được tăng lương nhiều nhất từ ngày 1/7/2024. Ảnh Quang Huy |
Cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức, viên chức khác, bởi chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.
Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sỹ tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Do đó, lương giáo viên = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%). Mức lương này áp dụng đối với giáo viên trong khu vực công khi thực hiện cải cách tiền lương. Riêng giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.
Lương thực nhận viên chức ngành y tế = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Thưởng (nếu có)
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế nói chung; quan tâm đến chế độ, chính sách đãi ngộ với các y, bác sĩ nói riêng khi liên tục phải làm việc trong điều kiện khó khăn.
Cũng theo Nghị quyết 27, tới đây sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù. Hiện cả nước có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm khoảng 6,78% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.