Lao động phổ thông khó tiếp cận công nghệ cao
Theo nhận định của nhóm khảo sát đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với ngành dệt may Việt Nam” do Tập đoàn Dệt may Việt Nam thực hiện thời gian qua cho thấy, biến động lao động trong 10 năm tới của dệt may không đáng kể, chỉ chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ cấp độ này sang cấp độ khác. Trong tương lai xa hơn, sẽ có biến động lớn về lực lượng lao động.
Trong khoảng 10 năm tới, những tác động thách thức về lao động ngành dệt may chủ yếu diễn ra ở những khâu dễ thay thế bằng máy móc |
Theo đó, nhiều vị trí việc làm mới với những yêu cầu gắn với công nghệ 4.0 sẽ phát sinh. Xu thế lao động có trình độ và kỹ năng trung bình trở lên sẽ được sử dụng nhiều hơn, trong khi đó, những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, lao động chân tay sẽ bị thu hẹp dần.
Thực tế cho thấy, ngành dệt may là ngành đông lao động, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ, kỹ năng của người lao động còn thấp. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho thấy, đến 84,4% lao động trong ngành dệt may chỉ có trình độ phổ thông, số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 15,6%. Những điều đó khiến người lao động khó khăn trong tiếp cận cái mới và công nghệ cao.
Khảo sát chỉ ra, do là lao động chân tay với tính chất nghề nghiệp, môi trường, điều kiện làm việc đòi hỏi độ tinh của mắt, độ nhạy của các thao tác, phản xạ, do vậy, đại đa số lao động khi ngoài 45 tuổi suy giảm khả năng làm việc.
Trong 10 năm qua, năng suất lao động của ngành dệt may tăng gần gấp đôi, một phần do năng lực làm việc, kỹ năng, tay nghề người lao động đã được cải thiện. Nhưng yếu tố chính dẫn đến tăng năng suất chính là các doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình quản lý, trong đó yếu tố công nghệ sản xuất là mạnh nhất.
Như vậy có thể thấy, chất lượng đội ngũ công nhân lao động của ngành còn ở mức khiêm tốn, còn nhiều hạn chế cần phải được thay đổi, nâng cấp để có thể thích ứng được với các điều kiện của CMCN 4.0
95% lao động ngành dệt may chưa thể thay thế
Trước thực trạng trên, một số doanh nghiệp dệt may bày tỏ, hiện một số doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ hàng năm khá lớn, nhưng không phải để giảm lao động, mà để tăng năng suất.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những khu vực sản xuất có tần suất áp dụng công nghệ để thay thế con người nhiều nhất là lĩnh vực sản xuất sợi và nhuộm. Ngành may khả năng công nghệ thay thế con người thấp nhất.
Cụ thể, mảng dệt nhuộm chỉ giảm khoảng 30% lao động, nhưng giảm sử dụng nước, tiêu hao năng lượng lên tới 50%. Theo đó, hiện tại chưa có mô hình nhà máy nào hoàn toàn robot, bởi robot chỉ làm được những mẫu mã không thay đổi, còn nếu mẫu mã thay đổi phải lập trình lại.
Đơn cử, trong 78 công đoạn sản xuất quần áo, robot chỉ làm được 8 công đoạn, đó là các công đoạn khó, phức tạp mà trước đây phụ thuộc vào tay nghề người thợ (như tra vai, tra cổ) để giảm sự phụ thuộc vào tay nghề công nhân và tăng sự đồng đều về chất lượng của các sản phẩm. Robot không thay thế được nhân lực ở các khâu liên quan đến thời trang trên sản phẩm, càng không làm được các sản phẩm vải thời trang mềm, trơn trượt, các sản phẩm 2 - 3 lớp như veston, jacket.
Chính vì vậy, những dự báo robot có thể thay thế lao động có thể diễn ra trong ngành sợi, dệt, nhưng ngành thời trang may mặc với 95% lao động chưa thể thay thế được. Việc tăng năng suất và tự động hóa các khâu khó trong sản xuất chỉ làm giảm nhu cầu về lao động giản đơn trong ngành may khoảng 15%, giảm ở khâu trải vải do đã được thay thế bằng máy, cắt bằng lazer, định vị trên máy tính.
Dù vậy, về dài hạn, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như lợi thế về lao động dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ không còn. Đến giai đoạn 2030, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng, chi phí tiền lương bình quân khoảng 2.739 USD/lao động/năm (cao gấp đôi so với Bangladesh, Myanmar...) và còn tiếp tục tăng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiệm vụ hàng đầu của ngành dệt may hiện nay là phải xây dựng được một đội ngũ công nhân lao động dệt may đủ nhận thức, trình độ, kỹ năng đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện cuộc CMCN 4.0. |