Thời điểm tháng 4, thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, thời gian ghi chỉ số dài hơn tháng 3/2019, cùng với việc thực hiện Quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 8,36% khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình sinh hoạt tăng cao so với thời điểm trước khi tăng giá điện.
Trước phản ánh của nhiều hộ dân thông qua kênh báo chí truyền thông, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập 3 đoàn công tác từ ngày 8-10/5/2019, kiểm tra các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn cả nước. Ngay sau khi kết thúc, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng |
Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, ngoài phần báo cáo kết quả, Bộ Công Thương có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện… “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, thành viên Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương thường xuyên tổng hợp thông tin phản biện từ công chúng, người dân, trên phương tiện truyền thông báo chí và mạng xã hội; Luôn hoan nghênh, tiếp thu và đánh giá cao tất cả mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, kể cả những thông tin phản biện trái chiều với quan điểm, chính sách của Bộ về mọi hoạt động của ngành Công Thương, trong đó có lĩnh vực năng lượng, điện năng... với tinh thần cầu thị để điều chỉnh sao cho phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý điều hành với mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của Nhân dân, Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận thấy rằng, cách diễn đạt kể trên trong văn bản có thể gây hiểu nhầm cho dư luận, cho rằng, Bộ Công Thương đánh đồng những phản biện tích cực (có thể là trái chiều với quan điểm, chính sách của bộ nhưng vẫn là những ý kiến phản biện rất đáng được hoan nghênh và cần tiếp thu) với những thông tin cố ý bịa đặt, làm sai lệch thông tin gây hoang mang trong dư luận... "Về việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời phối hợp làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền một cách kịp thời, công khai, minh bạch để dư luận hiểu đúng, từ đó sẽ chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định và cho biết "Chúng tôi khẳng định vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, kể cả những quan điểm, ý kiến trái chiều để xem xét, tiếp thu xây dựng các chính sách đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân".
Trên thực tế, qua kiểm tra tại các đơn vị, Bộ Công Thương thấy rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống vật chất của người dân đã cải thiện, nhu cầu sử dụng điện cũng cao hơn, do đó chi phí điện cũng gia tăng. Mặt khác, những quy định hiện hành về biểu giá bán lẻ điện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế vì vậy Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, tăng cường phối hợp, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, báo chí và người dân để nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới phù hợp với yêu cầu phát triển, đảm bảo công bằng cho mọi thành phần kinh tế và người dân. Theo đó, biểu giá điện bậc thanh mới sẽ hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, song song với đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Về những ý kiến thắc mắc, kiến nghị của khách hàng liên quan đến lĩnh vực điện, đặc biệt là việc ghi chỉ số, tính toán hóa đơn tiền điện, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là EVN, phải liên tục tiếp thu, phản hồi ngay tất cả các thắc mắc cho người tiêu dùng; Chỉ đạo các đơn vị liên quan và EVN tăng cường với các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ Công Thương và hệ thống báo chỉ tiếp tục thực hiện phổ biến thông tin, tuyên truyền về chính sách phát triển điện lực, giá điện đến người tiêu dùng điện.
Như vậy, về phía nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm hết sức mình để công khai, minh bạch và giải trình về giá điện với người tiêu dùng. Với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức, ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.
"Chúng tôi khẳng định với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương luôn luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và đặc biệt là người tiêu dùng" – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, thời gian qua, Báo Công Thương đã bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tham gia các chương trình kiểm tra thực tế; đã có nhiều tin bài, ghi chép... phản ánh đầy đủ, khách quan, trung thực, kịp thời về các cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành giá điện; thông tin trước, trong và sau đợt điều chỉnh giá điện (Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019); phản ánh các ý kiến của doanh nghiệp người dân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội... về cơ chế giá, ghi chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện với nội dung, hình thức đa dạng trên các ấn phẩm của mình. Qua đó đã góp phần phổ biến, giải thích thông tin về giá điện để độc giả hiểu rõ. Nổi bật là các bài viết: "Dự kiến giá điện sẽ được điều chỉnh tăng 8,36%", "Bộ Công Thương công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019", "Thành lập 3 đoàn kiểm tra về việc áp giá điện", "Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh giá điện", "Giá điện Việt Nam cao hay thấp?", "Cần cái nhìn khách quan với giá điện", "Công bằng với giá điện", "3 nguyên nhân hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao", "Phản ánh về giá điện: Khách quan, không quy chụp", "Tăng giá điện là để tiến dần đến cơ chế thị trường", "Tiền điện tháng 4 của nhiều khách hàng tăng do sản lượng tiêu dùng tăng", "Kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện tại khu vực phía Nam: Không phát hiện bất thường!", "Ngành điện miền Bắc: Giải đáp thỏa đáng 16.894 ý kiến thắc mắc liên quan đến tăng giá điện", "Bắc Kạn: Khách hàng hài lòng với giải quyết của ngành điện", "Các đơn vị thuộc EVN đã thực hiện nghiêm túc về ghi chỉ số, giá bán điện", "Bộ Công Thương: Minh bạch thông tin về cơ chế giá và kết quả kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện", "Doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định tăng giá điện", "Điều chỉnh giá điện: Lộ trình tất yếu đảm bảo an ninh năng lượng" (2 kỳ), "Giải trình về việc tăng giá điện là phù hợp, nhưng cần tiếp tục rà soát", "Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Kiểm toán để người dân tin hơn vào tính minh bạch của giá điện", "Thứ trưởng Công Thương: "Sẽ tính lại biểu giá điện bậc thang"...
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan báo chí khác, thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thông tin tuyên truyền đến độc giả cả nước về các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng.
Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các Bộ ngành để tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. |