Các ý kiến nhất trí cao tại buổi họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long 26/12/2024 13:29
Quảng Nam kiến nghị bổ sung 11 dự án thủy điện nhỏ vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII Phó Thủ tướng cho ý kiến về loạt các dự án năng lượng tái tạo nằm trong Quy hoạch Điện VIII |
Sáng 26/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo Quyết định 1614/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ (Lần 1).
Tham dự buổi họp có đại diện Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cùng đại diện các bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tái, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Tư pháp.
Tới dự còn có đại diện các cơ quan Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản Việt nam (TKV), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hoàng Long chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. - Ảnh: Thế Duy |
Bối cảnh điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Theo nội dung tờ trình Phê duyệt Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ngày 13/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, yêu cầu đánh giá, rà soát Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Các yêu cầu này được củng cố thêm bởi Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2030, tầm nhìn 2050, và Nghị quyết số 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội, đưa ra chỉ tiêu sử dụng không gian biển cho năng lượng tái tạo như điện gió.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn, như xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nhiên liệu nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI vào ngành năng lượng. Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dù đã xây dựng quyết liệt các cơ chế thực hiện Quy hoạch Điện VIII, việc triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại. Các dự án nhiệt điện khí LNG, chiếm 22.400 MW công suất, đang bị đình trệ do khó khăn trong ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) và cung ứng khí (GSA). Đặc biệt, các dự án sử dụng khí trong nước như Báo Vàng và Cá Voi Xanh đối mặt với rủi ro lớn về trữ lượng và tiến độ vận hành.
Toàn cảnh buổi họp. - Ảnh: Thế Duy |
Trong 11 dự án nhiệt điện than, hai dự án lớn là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW) và Sông Hậu II (2.120 MW) đã lần lượt bị dừng triển khai và chấm dứt hợp đồng BOT. Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi vẫn vướng mắc về quy hoạch không gian biển, cơ chế giao thí điểm và yêu cầu vốn đầu tư lớn, gây khó khăn trong triển khai.
Với các cam kết quốc tế về Net-zero vào năm 2050, Chính phủ đã đề xuất tái khởi động chương trình điện hạt nhân. Đây được coi là hướng đi chiến lược nhằm bổ sung nguồn điện chạy nền, trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống ngày càng gặp khó khăn.
Việc chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn và lưới điện đang kéo dài tiến độ vận hành, ảnh hưởng đến các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn này đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu pháp luật.
Thời gian qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chủ động triển khai các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. - Ảnh: Thế Duy |
Theo đánh giá, việc phân tích và dự báo chi tiết là cần thiết để xây dựng kịch bản phát triển điện lực tối ưu, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và hòa nhịp cùng xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu. Do đó, việc rà soát để điều chỉnh quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7942/BCT-ĐL ngày 8/10/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII và đề xuất chủ trương điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Ngày 15/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này qua Văn bản số 7564/VPCP-CN.
Trên cơ sở chỉ đạo, Bộ Công Thương đã liên tục phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Đặc biệt, từ ngày 15/10/2024 đến 31/10/2024, các văn bản đã được gửi đi để lấy ý kiến đóng góp từ nhiều bên. Ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long được phân công làm chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Đến ngày 26/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức họp Hội đồng thẩm định với sự tham gia của 21 thành viên. Kết quả lấy ý kiến cho thấy đa số đồng thuận thông qua nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch, với một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa thêm để hoàn thiện.
Lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các cơ quan, ban ngành
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh sự cấp bách trong việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch. Ông cho biết, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao với yêu cầu thực hiện "vừa chạy vừa xếp hàng" để đảm bảo đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới.
Theo Thứ trưởng, dù Quy hoạch điện VIII chỉ mới được ban hành một năm rưỡi, nhiều bất cập đã xuất hiện trong bối cảnh phát triển năng lượng hiện nay. Đặc biệt, với chủ trương tái khởi động nhà máy điện hạt nhân đã được Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua, cùng với định hướng tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, việc điều chỉnh quy hoạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ tham dự buổi họp. - Ảnh: Thế Duy |
Trong thời gian tới, các bước tiến mới sẽ tập trung vào việc giải phóng nguồn lực cho phát triển điện gió ngoài khơi, song song với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua và cũng sẽ ban hành các nghị định liên quan. Những động thái này nhằm tạo điều kiện tối ưu để phát triển bền vững hệ thống năng lượng quốc gia, đồng thời đáp ứng các mục tiêu kinh tế-xã hội và cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chủ động triển khai các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long mong muốn Hội đồng thẩm định đóng góp ý kiến thiết thực và biểu quyết thông qua, nhằm nhanh chóng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu tại buổi họp đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII trong buổi họp gần đây. Theo vị này, việc triển khai các quy hoạch điện từ giai đoạn trước, chẳng hạn Quy hoạch Điện VI (2010), đã gặp không ít khó khăn. Nhiều dự án quan trọng như điện hạt nhân hay thủy điện tích năng dù có tiềm năng nhưng không được triển khai hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Phát biểu tại buổi họp đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII. - Ảnh: Thế Duy |
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra rằng các thách thức trong phát triển thủy điện và điện hạt nhân thường bắt nguồn từ việc thiếu sự đồng thuận của xã hội và các cơ quan liên quan. Điển hình là sau thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản, dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái đã bị đình trệ. Đối với thủy điện, các dự án như Đồng Nai 6 và 6A dù đạt hiệu quả kinh tế cao vẫn bị loại khỏi quy hoạch do không vượt qua được các rào cản về môi trường và dư luận.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và khởi động lại các dự án điện hạt nhân, vai trò của thủy điện tích năng trở nên đặc biệt quan trọng. Loại hình này không chỉ giúp điều tiết nguồn điện mà còn hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng khó ổn định như năng lượng mặt trời và gió.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch cần dựa trên các quy định hiện hành nhằm đảm bảo các bước thực hiện và kinh phí phù hợp. Ông lưu ý cần đánh giá kỹ các phương án điều chỉnh quy hoạch, xem xét phương án tổng thể trước khi thực hiện để đảm bảo tính khả thi và sự đồng thuận xã hội.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng việc điều chỉnh này hết sức cần thiết. “Khi mà các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán thì thì thấy rằng nếu chúng ta không điều chỉnh quy hoạch thì việc cung ứng điện giai đoạn 2025-2030 và 2030-2035 là hết sức khó khăn”.
Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch điện VIII là hết sức cần thiết. - Ảnh: Thế Duy |
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, sau khi nghiên cứu dự thảo điều chỉnh quy hoạch, nhiều nội dung đã được cập nhật theo góp ý từ TKV. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa bổ sung các điểm mới của Luật Điện lực sửa đổi năm 2024, như chính sách phát triển điện than, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, và chuyển đổi nhiên liệu cho nhà máy điện than. TKV nhấn mạnh cần điều chỉnh để phù hợp với quy định mới, trong đó Luật Điện lực sửa đổi không "chốt cứng" thời gian chuyển đổi nhiên liệu sau 20 năm như Quy hoạch điện VIII, mà khuyến khích theo lộ trình hợp lý.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải phát biểu tại buổi họp. - Ảnh: Thế Duy |
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, từ khi Luật Quy hoạch mới được áp dụng, việc điều chỉnh quy hoạch phải tuân theo trình tự như lập quy hoạch mới. Trước đây, quy hoạch có thể điều chỉnh toàn bộ hoặc cục bộ định kỳ 4-5 năm, nhưng Luật Quy hoạch hiện tại chưa làm rõ quy định này, dẫn đến quy trình điều chỉnh chỉ có thể thực hiện theo trình tự của một quy hoạch mới. Việc này đòi hỏi đánh giá toàn diện hiện trạng, tình hình thực hiện giai đoạn trước và dự báo để xác định rõ nội dung cần kế thừa và điều chỉnh. Đặc biệt, Luật Quy hoạch mới yêu cầu điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu tổng thể. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cũng cần được xác định rõ ràng, bao gồm việc phân bổ từ nguồn vốn thường xuyên hoặc đầu tư công. Việc đảm bảo các quy định và phương án phát triển trong quy hoạch tỉnh cũng phải được thực hiện đồng bộ nhằm tránh việc điều chỉnh lặp lại nhiều lần.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến - Ảnh: Thế Duy |
Tại cuộc họp đại diện các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng lần lượt nêu các ý kiến đóng góp.
Thống nhất thông qua các văn bản liên quan
Sau khi đã lần lượt lắng nghe các ý kiến, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo đã có ý kiến giải trình cho các ý kiến của đại biểu tham dự buổi họp.
Sau phần giải trình này, Hội đồng thẩm định đi đến phần bỏ phiếu đánh giá. Kết quả, số phiếu tham gia của 18 là thành viên, trong đó 6 phiếu nhất chí thông qua các Tờ trình, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các báo cáo giải trình và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). 12 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung một số nội dung tại các văn bản kể trên.
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Tô Xuân Bảo thông báo kết quả kiểm phiếu đánh giá tại cuộc họp. - Ảnh: Thế Duy |
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, chủ động và tích cực của các đại biểu. Ông nhấn mạnh, cuộc họp đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vào sự đồng hành sát sao của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tâm huyết trong suốt nhiều năm qua. Các ý kiến đóng góp được đánh giá là sát thực và ý nghĩa, tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai các nhiệm vụ tiếp theo. Thứ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo ngay trong chiều cùng ngày, nhằm đảm bảo tiến độ không bị gián đoạn, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Theo nội dung tờ trình, đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm ba tập chính: Tập I: Thuyết minh chung, Tập II: Phụ lục, và Tập III: Bản vẽ. Bộ Công Thương dự kiến hoàn thiện toàn bộ quy hoạch trong vòng 30 tháng kể từ ngày nhiệm vụ được phê duyệt. Hồ sơ trình thẩm định bao gồm Tờ trình, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các báo cáo giải trình và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Việc này đảm bảo nội dung đề án đáp ứng các yêu cầu theo Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và ý kiến góp ý từ các thành viên Hội đồng thẩm định. Cũng tại tờ trình trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để lập, thẩm định và công bố quy hoạch sau khi được phê duyệt. |