TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho biết, những năm gần đây, Viện đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị; tư vấn đổi mới công nghệ; tư vấn lập và phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đóng góp tích cực cùng toàn ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam từng bước chuyển đổi công nghệ, thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Hệ thống thuyền xỉ tại Nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Viện Nghiên cứu cơ khí cung cấp |
Cụ thể, một số công trình khai thác, chế biến khoáng sản lớn của Việt Nam có đóng góp nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim như: Nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, tỉnh Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm; Nhà máy tuyển nổi quặng đồng Sin Quyền số 2 công suất 1,4 triệu tấn/năm tại tỉnh Lào Cai; Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 36 ngàn tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận…
Đối với Viện Nghiên cứu cơ khí, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng chia sẻ, thời gian qua, Viện đã thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành các hệ thống thiết bị phụ chạy đốt than có công suất tổ máy khoảng 600 MW, tạo ra được một số sản phẩm truyền thống như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ và hệ thống lọc bụi tĩnh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.
“Điều này tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, giảm ít nhất 10% giá thành sản phẩm so với thiết bị nhập khẩu cùng loại và giảm nhập siêu hơn 100 triệu USD cho một công trình nhiệt điện than công suất 1200 MW” - TS. Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Hay, trong lĩnh vực công nghiệp giấy, các đề tài do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã phối hợp với các đơn vị thực hiện mang lại hiệu quả cao như: Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học để phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy thân thiện môi trường tại Việt Nam; nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue đã tạo ra các sản phẩm KH&CN đáp ứng được một phần yêu cầu phát triển ngành, giúp tiết kiệm năng lượng, hóa chất, bảo vệ môi trường và góp phần giảm nhập siêu.
Đây là những minh chứng cho thấy, các đơn vị nghiên cứu của Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc nội địa hóa, làm chủ công nghệ. Nhiều công trình nghiên cứu được áp dụng hiệu quả vào sản xuất - kinh doanh ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty giúp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển nguồn lực nghiên cứu KH&CN.
Để phát huy vai trò nòng cốt trong mạng lưới tổ chức KH&CN ngành Công Thương, chiến lược phát triển của các viện những năm tới cần xây dựng phù hợp với định hướng phát triển và mục tiêu tái cơ cấu của từng ngành cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là xây dựng các viện nghiên cứu triển khai đủ mạnh có công nghệ nguồn tương ứng với từng lĩnh vực công nghiệp.
Hiện, Bộ Công Thương đang quản lý 13 viện bao gồm cả 2 viện đã thực hiện cổ phần hóa. Mỗi viện đều có phạm vi, lĩnh vực hoạt động tương đối chuyên biệt, độc lập trong một lĩnh vực công nghiệp cụ thể. |